2 thg 8, 2023

Hòa bình và hòa nhập

 1. Lớp học của con tôi có 4 bạn nhỏ hòa nhập, là các bạn chậm nói hay có chút vấn đề tâm lý và tâm trí dù cùng độ tuổi với con. 

Quả thực nhìn những đứa nhỏ hòa nhập, tôi thấy rất thương và xót. Cũng cùng độ tuổi với con mình nhưng các bé thiệt thòi hơn nhiều khi chậm nói và có những tâm lý tiêu cực, hay khóc lóc gắt gỏng. Vì thế mà các con khó hòa nhập được với các bạn, cũng như được trải nghiệm những niềm vui tuổi thơ của con. 

Con tôi là đứa bé nhạy cảm và hiểu chuyện. Tôi thường nói với con về các bạn khiếm khuyết (tăng động, tự kỷ, khuyết tật,...) Con có người anh họ là trẻ tăng động. Và con cũng đã từng đi làng trẻ Hòa Bình vài lần để thăm các anh chị khuyết tật. 

Con bảo: - Mẹ ơi, em là bạn hòa bình, em thương bạn hòa nhập, em không giành đồ của bạn đâu. 

Và khi tôi hỏi: - Bạn hòa nhập giỏi hơn con hay con giỏi hơn bạn?

Con trả lời: - Con giỏi hơn bạn!

Tôi hỏi tiếp: - Vậy thì con phải làm sao?

Con nói: - Con phải bày cho bạn. 

Tôi thương con tôi quá. Giá như những người lớn chúng ta đều được hướng dẫn đủ về tình yêu thương và sự chia sẻ thì xã hội này bớt loạn lạc bao nhiêu. 

2. Dù là đứa bé thông minh và hiểu chuyện, nhưng không phải con tôi không có những điểm khuyết nào đó, mà một người làm mẹ thiếu kinh nghiệm, phải tự bơi, như tôi, không khỏi có những lúc căng thẳng.

Thậm chí, tối qua, tôi bắt con ngồi đối diện, mặt nhìn mặt, bắt con nhìn vào mắt mình để con thấy mắt tôi đang khóc, và tôi nói như quát vì những lỗi của con - chỉ trong một khúc chiều, chừng 20 phút thôi, mà lỗi chồng lỗi, khiến tôi chỉ muốn nổ tung. 

Con tôi là một đứa trẻ biếng ăn những bữa ăn chính ở lớp. Sáng đến, kiểu gì con cũng viện cớ: - "Mẹ ơi em bệnh rồi em không ăn nhiều được." Tôi đành làm bộ nói chuyện với cô giáo, xin cô cho con không phải ăn nhiều (dù trước giờ con chưa bao giờ ăn được hết suất ăn bình thường như các bạn). Nhưng tôi hiểu cái tâm lý này, vì bản thân tôi cũng có nhiều lúc nhìn đồ ăn thôi là muốn khóc và dậy lên sự sợ ăn. 

Nhưng con cũng như tôi, cũng thích những bữa ăn vặt nhỏ, với trái cây, chút quà bánh. 

Và lúc chiều về, đi ngang tiệm bánh tráng mà anh chị chủ hàng hay ngồi trước cửa ăn vặt. Vì tôi có mua hàng, tôi cũng hay đi ngang, hai bên đều dễ mến, nên hay chào. Và anh chị hay cho con tôi đồ ăn, điều mà tôi rất tránh, vì tôi dạy con không nhận đồ ăn của người lạ. Tôi rất sợ con sa đà vào các tệ nạn nghiện ngập sau này, nên ai cho gì, tôi cũng không muốn con lấy. 

Nhưng một bên anh chị hăm hở cho con nho, một bên con hăm hở nhận lấy chùm nho mà con rất thích. 

Đã ba buổi chiều như thế, ba lần con nhận như thế, còn tôi không biết làm sao, khi tôi nói với con là con không lấy và từ chối anh chị kia, mà cả 2 bên đều không chịu nghe. Rồi con cầm chùm nho vừa đi vừa ăn, tôi buồn và cáu quá, nói với con, vì con không nghe lời mẹ, mẹ sẽ im lặng từ đây về đến nhà. Con vừa đi vừa ăn vừa cố gợi chuyện cho mẹ nói. 

Rồi đến chỗ dừng chờ xe bus, con đứng hái một chiếc lá, thấy nhựa mủ chảy ra, con đưa ngón tay quẹt vào mủ đưa lên miệng liếm. Tôi hết hồn, quát con. Rồi lên xe, con có lẽ thấy rằng mình quậy thì mẹ sẽ cáu, sẽ quát, có lẽ dễ chịu hơn là mẹ giận và im lặng. Thế rồi con bày trò. Trên xe bus phải giữ yên tĩnh, nhưng con bắt đầu kêu meo meo ầm ĩ. Rồi về nhà con lại bày những trò khác. Bữa ăn tối rất náo loạn, căng thẳng và mệt mỏi. 

Còn ba con là một người tôi không biết nói sao. Ví như, khi tôi căng thẳng vì công việc, học hành, con cái. Tôi mất phương hướng và không biết giải quyết thế nào. Tôi cần ai đó lắng nghe chẳng hạn. Nhưng, khi tôi nhắn cho anh: "em stress quá", anh gửi lại cho tôi số liên hệ của tổng đài chăm sóc tâm lý coaching các kiểu đã được trả phí trọn gói từ công ty anh. Tôi cần chồng tôi, ba của con tôi, cùng tôi giải quyết các vấn đề về chăm sóc, nuôi dạy con cái, chứ không phải là cần một tổng đài coaching để phơi bày hết mọi thứ trong mình ra với những người xa lạ nào đó dù họ có bằng cấp chuyên môn. Họ không phải là người đồng hành với tôi và con tôi trong hành trình dài, như cả cuộc đời hay chí ít là một phần 20 năm đầu đời của con tôi được. 

3. Đã qua tháng 8/2023 rồi, dù thời gian này tôi không đi làm ở một công ty cố định, nhưng việc học hành và một số công việc freelance đã cuốn tôi vào vòng bận rộn dễ chịu. 

Tôi thích được bận rộn và được làm việc hết năng suất, đến mức mà không có khoảng thời gian rảnh rỗi để buồn và suy nghĩ những chuyện không vui thuộc về quá khứ, về con người - xã hội,... Và phải được trả tiền xứng đáng với năng lực cũng như công sức mà mình bỏ ra, cũng như phải đúng rank lương. 

Tôi ghét sự bất công. Cũng như tôi ghét sự rảnh rỗi vô ích. 

Khoảng thời gian này, tôi như con sâu ủ mình trong kén, tưởng chẳng làm gì, nhưng bên trong thực ra lại đang làm việc điên cuồng. 

Tôi hài lòng rằng, khoảng thời gian qua, nhờ học và làm nhiều, tôi đã không phải dính vào những chuyện drama kém lành mạnh, hay những con người quá hoa mỹ màu mè, trước sau bất nhất,... mà chắc là chốn công sở nơi nào cũng có. 

Hi vọng sau khoảng thời gian này, khi quyết định đi làm công ty trở lại, tôi sẽ có được nơi làm mà khiến mình muốn gắn bó không chỉ vài ba năm, mà phải được vài ba chục năm. 

Mà để được như thế, thì cần phải kỹ càng. 

Và phải cố gắng trong những tháng năm này thật nhiều. 

4. Nhiều lúc, thấy buồn. 

Hòa bình quá thì làm sao hòa nhập nổi với xã hội tôn thờ "cuộc sống là đấu tranh" này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những giọt vui nho nhỏ

Giữa những hành vi toxic không hiếm thấy của người này và người nọ. Tự dưng mình nhặt được những niềm vui nho nhỏ.  Như hôm qua, D.nhắn tron...