14 thg 1, 2024

Những giọt vui nho nhỏ

Giữa những hành vi toxic không hiếm thấy của người này và người nọ. Tự dưng mình nhặt được những niềm vui nho nhỏ. 

Như hôm qua, D.nhắn trong group chat chung có cả các anh chị và các bạn rằng:

"Cho đến giờ, chuyện làm em tự hào nhất không phải nghiên cứu này kia hay bằng tiến sĩ mà là việc làm từ thiện với chị Tuệ An ạ.

Em kể câu chuyện tủ sách, qua tai vài người thì đến hội Dược sĩ, họ quyên góp xây phòng học vi tính, tặng học bổng, xe đạp, sách vở cho trường...mẹ em cũng rất tự hào về chuyến từ thiện đó. Chắc mốt mẹ sẽ kể lại cho cháu lol"

Và cách đây mấy hôm, em T - cô giáo dạy cờ vua của con nói với mình rằng: "Mè lương thiện lắm, do chị dạy tốt á, đó là quan điểm cá nhân em. Mà tại vì lương thiện, nên sau này cũng sẽ nhiều người yêu quý."

Cách đây hơn tuần, thầy N nói: "Để hằng ngày tụng kinh xong hồi hướng cầu nguyện cho bé cùng gia đình luôn bình an ..."

Những chia sẻ khiến mình xúc động quá. Cảm ơn D., T., thầy N và những giọt lành trong nhân gian mà mình được gặp. 

Mình nhớ Mẹ. Nhớ những ngày trước khi Mẹ sắp mất (mà Mẹ không biết). Mẹ bảo quần áo của Mẹ xếp lại đem tặng từ thiện. Mình thì sợ, lo và không biết gì về thế giới bên kia, nên xếp đem thiêu hết sau khi Mẹ mất, vừa làm vừa lầm thầm nguyện, Mẹ ơi, sau này con sẽ ráng làm phước, còn nhiều lần để làm, còn lần này con xin đem thiêu cho Mẹ. 

Nuôi dạy con, mình cũng ráng học Mẹ. Cũng ráng dạy con làm phước, hướng thiện và nhịn nhường. 

Nhưng không biết con có may mắn được như cô giáo con nói, rằng "vì lương thiện, nên sau này cũng sẽ nhiều người yêu quý" hay không. 

Chứ cách mình sống, nhiều khi lại thành cái gai trong mắt người khác. Nhiều khi cũng chẳng hiểu nổi. Nhưng bữa rồi, mình đọc được một bài viết của chị Trang Hạ (chị là một tác giả, dịch giả trẻ mà mình thích) về một nhân vật. Nói chung mình không quan tâm nhân vật này, và cũng không quá thích toàn bộ nội dung bài viết (post đăng trên facebook cá nhân chị), nhưng mình đặc biệt thích từng câu trích từ nội dung post đó. 

Xin note lại, như một niềm an ủi - cho mình và cho những ai lỡ phải gặp ai đó toxic trong xã hội nhố nhăng này. 

Từ cái post này của chị: link dẫn. Có hai câu trong nội dung khiến mình hiểu hơn về người toxic mà mình đang gặp phải dù không phải là nhân vật của chị Trang Hạ:

"...nghiện nói, đó là dấu hiệu của một người hết thời."

"Những kẻ tồi tệ, hóa ra, tồn tại là có lý do!

Là để cho mình tỉnh ngộ, để mình tự nhắc, đừng bao giờ trở thành chính cái kẻ mà mình khinh bỉ hay căm ghét!"

Cảm ơn chị. 

3 thg 1, 2024

Công tắc

1. Mình ghét cảm giác kiểu buồn ngủ mà không ngủ được, hay muốn tỉnh thức nhưng lại lờ đờ. Nên những lúc không thể gắng, hay quá tiện, mình lại dùng cafe để tỉnh hay rượu để ngủ. 

Công tắc thức ngủ khi dùng một số chất kích thích có vẻ dễ dàng. 

Nhưng để tắt đi cái cảm giác mất mát người thân, bao nhiêu năm qua, mình không biết làm cách nào để có thể làm được. 

Mỗi khi nghĩ đến Ông ngoại, đến Mẹ, đến Huệ,... lòng lại cảm giác như bị bóp nghẹt. 

Và cách để bật lên niềm vui trọn vẹn cho một điều gì cũng quá khó khăn. 

Cái cảm giác khiến mình nhớ vài dòng mình trích từ cuốn sách của bác Nam cho bài giới thiệu sách từ năm 2007 (khoảng thời gian quá xa, 15 năm trước, khi mình có nhiều người thân hơn bây giờ). 

“Trong mạch sống đã tiềm ẩn cái chết, trong gặp gỡ đã tiềm ẩn những chia xa, trong gắn kết đã tiềm ẩn hạt mầm của sự rời bỏ, trong say đắm đã  tiềm ẩn sẵn những chán chường” - LQN 

2. Sự đến và đi, làm quen hay rời bỏ một con người, một sự kiện, một nơi chốn, một điều gì,... với mình vào những năm tháng này nó trở nên nhanh và dễ quá dù mình không lựa chọn cách sống vội cũng như các mối quan hệ nhạt nhẽo. 

Nhưng dù chơi sâu, sống chậm, đến cái khúc muốn rời bỏ, thì phải rời bỏ mà thôi. 

Đời là mấy tí, việc gì cứ lờ đờ trong những thứ không dẫn mình đi đến đâu. Dứt dễ những cái không đáng, thì mới có thời gian và tâm trí để tập trung cho đáng vào những cái mình chọn. - Chỉ nghĩ thế thôi, mà mình dứt dễ. 

3. Không hiểu sao, mình chán dần các trang mạng xã hội, và lại chỉ muốn thu lại những bài viết, những chia sẻ,... gói gọn trong blog cá nhân hay chỉ viết nhật ký riêng mà không chia sẻ một ai. Từ đó, các mối quan hệ dựa trên tương tác còm, like, tin nhắn,... tự dưng cũng nhạt đi. 

Cũng may mắn sao, những mối quan hệ đời thực, hay những người đã từng gặp trong đời thực, thì vẫn còn nhiều sự quan tâm. 

Hôm qua, đọc tin nhắn của một vị sư thầy, thấy bé khỏe và gia đình vui vẻ, mừng cho mình. 

Mình cảm giác biết ơn vì nhiều người vẫn đâu đó nhìn theo và cầu nguyện phước lành cho từng bước chân mình và con cái của mình đang đi. 

4. Cuộc sống của nhiều người cùng thế hệ mình đang quá "ảo lòi", "thích chứng tỏ",... hệ lụy từ nhiều thứ. Nhưng may mắn là ở các thế hệ sau, như thế hệ của các con cháu mình, mình thấy chúng sống thật hơn, chất lượng hơn, nỗ lực hơn và bớt ảnh hưởng bởi mạng xã hội - dù đã được dùng như bé N.hay chưa biết đến sự tồn tại của mạng xã hội như con mình. 

5. Cách đây mấy hôm mình đọc được một dòng chữ của một anh bạn từng chơi hồi 2008 viết trả lời một người khác, rằng anh đã sống chậm hơn bạn bè 1/3 cuộc đời. Đọc thấy thương, thấy quý, mà cũng thấy... không đúng lắm. 

Nhưng với suy nghĩ của mình, thì những cái mốc như sinh lão bệnh tử hay kết hôn, ly hôn nó không có khái niệm nhanh và chậm. 

Kết hôn lúc 40 tuổi mà đúng người thì có lẽ nên và nhanh hơn kết hôn lúc 20 tuổi mà sai người.

Sinh con lúc 40 tuổi mà nên người thì có lẽ nên và nhanh hơn sinh con lúc tuổi 20 mà không nên người. 

Nghĩ lại nhiều cái thuộc về số phận, thấy nó cay đắng quá. 

Vẫn biết là ai rồi cũng chết, mà cái chết đến lúc nào, ở độ tuổi nào, với người mình thương yêu, mình cũng thấy cuộc sống quá ngắn ngủi, sự ra đi quá nhanh, và nỗi mất mát quá lớn lao. 

Và trong những cơn xúc động đến mức khó thở, mình lại nghĩ đến một câu, đại ý rằng không ngại những người cư xử tồi tệ với mình, chỉ ngại những người đã quá tốt, quá từ tâm, quá yêu thương mình. 

Vì không có cái công tắc nào trong cuộc đời có thể bấm phím tắt để hình ảnh họ nhòa đi trong trái tim mình được cả. 







28 thg 9, 2023

"Hôm nay tôi nghe"...

Thực ra là hôm qua tôi nghe :) Nhưng hôm qua mình dành thời gian làm bài, rồi chăm con, cãi nhau với chồng một tí - tất nhiên là có ảnh hưởng tâm lý, nên mình dành nguyên buổi tối chiều chuộng bản thân. Tối, cho con đi học cờ, có cô giáo chơi cùng, tối về có ba chơi cùng. Mình ôm lon bia, đĩa gân, ngồi nhâm nhi và nghe Nirvana. Cách "giải tỏa" tâm lý những lúc mình mệt quá, buồn quá, hoặc không muốn cố gắng thêm trong khoảng ngày đó, như mình của 2011, 2012, 2017,...

Cuối 2011, mình nhớ mình ngồi ở góc nhà trọ của H và L, họ đi làm hết, mình ở nhà, ngồi dựa lưng vào cái bếp và nhìn ra. Mình vẫn thích cái cảm giác ấy. Giờ những lúc mệt quá, mình vẫn thường ngồi bệt xuống góc bếp, tay cầm lon bia lạnh và tai nghe nhạc từ headphone, lưng dựa vào tủ bếp và nhìn ra - tủ sách, phòng khách,... những thứ gọn gàng sạch đẹp thì trước mặt, còn lũ gia vị mắm muối nồi niêu xong chảo và tất cả những bề bộn thì đã ở sau lưng rồi. 

Cũng không biết là có thực sự mọi thứ bề bộn có ở sau lưng hay không. Sau khi mình viết một truyện ngắn, mình quên mất tên rồi, nhưng nhớ mình đã viết cái truyện đó ở Bình Phước, ở nhà Mỹ - một bạn khuyết tật làm ở DRD, nhà gần một cái am nhỏ. Do mình quấn cái khăn lên đầu và lúc đó quả thật mình cũng hơi hói, tóc ít và trán dồ, quấn cái khăn lên thì như không tóc. Mọi người tưởng mình là ni cô. Mình cũng kệ mọi người hiểu nhầm. Và mình nhớ Huệ, nhớ những ngày Huệ đã giúp mình đi qua khó khăn. Thất tình, thất nghiệp, mất niềm tin và thiếu chỗ dựa dẫm vào tuổi hai mươi - giờ hơn ba mươi, nghĩ lại thấy cũng là những chuyện bình thường thôi ở lứa tuổi sinh viên vừa mới ra trường một, hai năm, nhưng hồi đó mình lại cảm thấy nó là quá sức. Cũng nhờ có Huệ bên cạnh động viên, giúp đỡ, mà mình đã đi qua những ngày đó. 

Và mình viết trong cái truyện đó, với nhân vật ni cô có tên là "Cô Huệ". Mình nhớ hình ảnh, âm thanh và câu chữ cuối cùng trong truyện. Cô Huệ, tất cả những khổ đau đã ở sau lưng rồi. 

Nhưng đời thực không là truyện. Hơn một năm sau, Phước Huệ của mình gặp tai nạn giao thông trên đường vì xe tránh chó (nên mình rất ghét những người nuôi chó thả chó chạy lung tung ngoài đường, mình coi họ như những kẻ giết người tiềm năng). Phước Huệ đã bị chấn thương sọ não và nằm thực vật từ đó đến nay - 7/7/2013 đến nay. Quá lâu và quá khố đau phải không Phước Huệ, khi gõ đến những dòng này, lòng HA đau nhói và nước mắt không dừng rơi vì quá thương bạn. 

Sau tác phẩm mà mình đã viết, sau những điều mình suy nghĩ, vào 2011-2013, và những điều xảy ra sau đó, từ 7/2013 đến nay, thì mình đã không dám nói hay dám nghĩ, dám chém gió về tương lai nữa. Que sera sera. Ai biết ngày sau ra sao... 

Tháng 7/2017, mình phụ trách biên tập ban khoa học, thể thao, công nghệ cho một trang tin lớn với mức lương của một biên tập viên nhỏ (do mình không biết deal lương và cũng không biết chính xác mức lương của các vị trí vào thời điểm đó, nhưng đến tháng 8/2017 thì mình biết, nên mình viết email xin nghỉ việc vì mình cảm giác có chút dối lừa giữa anh em làm báo với nhau :) Giai đoạn này mình làm việc khá căng, biên tập toàn các bài nặng và phải training cho các phóng viên, cộng tác viên,...vì hầu như dân làm báo/dân thích làm báo còn quá trẻ ở nước mình thì lại thường không chuyên các mảng này. Thậm chí, với mảng thể thao, mình phải gửi nhân viên của mình qua nhờ các đồng nghiệp ở báo khác training giúp mình vì các anh am hiểu tốt hơn mình (mình chỉ tự tin mảng sức khỏe, khoa học công nghệ, còn mảng thể thao thì lúc đó phải kiêm thêm vì trang tin thiếu người làm). Trước khi quyết định xin nghỉ việc, mình buồn, tất nhiên, mình thích việc, làm được việc, và cần việc - nên quyết định nghỉ việc thì rất buồn. Nhưng để tìm một việc làm ở một nơi khác, với mức lương tương đương hoặc cao hơn, ở giữa Sài Gòn thì không quá khó khăn với mình. 

Mình lại nhớ cái hình ảnh mình lúc đó, tháng 7- tháng 8/2017, ngồi trong một quán nhỏ gần nhà, uống bia và nghĩ lan man nhiều thứ. Rồi quyết định nghỉ. Mình thích làm việc với những người chơi đẹp - ít ra là đẹp hơn P.A. :) 

Lúc còn bé, mình sinh ra và lớn lên ở ngay cạnh chợ lớn của Vinh, vậy mà mình chẳng bao giờ trả giá và thường đặt niềm tin vào người bán. Nhưng chỉ cần 1 lần tiệm nào lừa mình về giá cả hay chất lượng, thì không còn có lần sau mua bán với mình. Mình thấy rằng, mình mang theo cả tính cách này cho đến lớn. Chẳng bao giờ trả giá và thường đặt niềm tin vào đối tác, nhưng sống sai với mình một lần là không còn có lần hai. 

Sau đó, may mắn, mình được giới thiệu vào làm cho một trang tin khác - một nơi mình gắn bó 3 năm và thấy rằng mình đã được các sếp đối xử rất tốt, hỗ trợ cho cả việc học, việc gia đình của mình, và đặc biệt cái mà mình thường lưu ý cho các em muốn apply vào nơi này, là công ty đảm bảo quyền lợi cho người lao động và giấy tờ, hợp đồng đàng hoàng - điều mà lúc vừa ra trường, mình không có được ở cty đầu tiên, dù làm 2 năm, quý việc, quý đồng nghiệp và dành nhiều tình cảm với nơi này. 

Sau khi rời công ty vì giai đoạn COVID mình chỉ muốn ở nhà ôm con còn quá nhỏ, mình vẫn còn giữ liên lạc với sếp cũ, và giờ trở thành chị em thân thiết. 

Hôm qua mình quay lại thư viện AC để ngồi học do tuần này mình phải làm bài nhiều, 2 cái tiểu luận, 2 cái báo cáo phải xong trong tuần, và phải học tiếng Anh để thi vào 26/10. 

Thẻ thư viện ở AC mình từng làm vào ngày 7 tháng 5/2015 - chỉ sau khi Mẹ mình mất 34 ngày, chưa được cả 49 ngày, mà mình đã không thể kiên trì ở lâu hơn chút nữa với bố trong những ngày đó. 

Sau khi Mẹ mất, mình cứ ngồi triền miên hàng giờ hàng ngày trước bàn thờ Mẹ, chỉ với suy nghĩ - làm thế nào để mình sống hạnh phúc hơn Mẹ của mình? Và rồi, mình thấy rằng. Tất cả những điều khổ đau mà Mẹ mình đã phải nếm trải trong đời, là vì Mẹ không dám buông bỏ bất cứ ai, điều gì - kể cả khi người đó, điều đó quá tệ; là vì Mẹ quá bao dung, vị tha và chấp nhận ôm vào lòng kể cả những điều làm tổn thương đến Mẹ; là vì Mẹ quá hiền lành, nhẫn nhục, sợ điều tiếng/dư luận xã hội - và có thể, Mẹ cho rằng những lý thuyết sáo ngôn mà người khác nói luôn luôn đúng; và trong bất cứ điều gì, với sự giáo dục quá tử tế về lòng nhân, Mẹ mình hay Ông ngoại mình đều mang lấy cái suy nghĩ "tiền trách kỷ, hậu trách nhân". 

Mình thì không, hay không đến mức vậy. 

Nên có nhiều lúc, mình cho phép mình bật hết, hất đổ tất cả, và buông bỏ tất cả những thứ ngoại thân. 

Nhờ vậy mà có lẽ mình sống khỏe thân hơn Mẹ của mình, cũng lại không biết được, và không dám nói trước được điều gì. 

Hôm qua anh nhân viên ở thư viện AC cười nói, lâu quá không đến nên quên mất cửa vào à? Mình cũng cười. Lâu quá rồi. Gần bằng cái khoảng thời gian mình mất Mẹ của mình. 5/2015-9/2023 - tám năm rồi. Tám năm mồ côi của mình. Mình cũng không biết mình đã đi qua được những điều diễn ra trước 2015 bằng cách nào, để sống được tới bây giờ một cách rất tử tế và đàng hoàng. 

Đêm qua về mình mệt, buồn, hơi say một tí, mình thích vị bia nhưng lại không giỏi uống, uống được một lon là nằm bẹp. Mà con trai lại quậy, nhảy loi nhoi lên mặt lên người, không nghe lời và nhại lại lời ba mẹ. Mình cáu quá, phét cho con một cái thật mạnh, mà con lại lì, mẹ đánh đau cũng không thèm khóc. Con ôm cái mền nói, mẹ ơi em muốn ôm mẹ. Em chỉ muốn ôm mẹ thôi. Mình giao kèo không được sờ ti mẹ, không được cù nhột mẹ, thì mẹ cho em ôm. Em đồng ý. Mình thương con quá và hối hận vô cùng vì đã đánh con, điều mà mình rất sợ cũng rất ám ảnh vì mình không muốn thành một dạng phụ huynh toxic như bố mình. 

Mình hỏi con, em có đau không? Em đau. Mẹ thương em lắm. Mẹ bị stress, em đừng chọc điên khiến mẹ cáu mẹ đánh em tội nghiệp em, có được không em? Dạ được. Lên lớp em cũng đừng trêu chọc cô giáo, trêu chọc bạn bè, biết không? Dạ biết. Người ta mệt rồi mà em còn chọc điên, em bị đánh là tại em đó! - Mình dạy con. Xong rồi lại thấy mình sai khi đã lỡ nói với con những lời như thế. Mới cách đây một vài hôm, mình mới đọc trên trang "tâm lý học tội phạm" về những lời nói mang tính chất độc ác này - mà người nói lẫn người nghe đều không biết và tưởng là đúng. 

Như cách mà chị gái mình đã nói với mình hay nói với nhiều người khác.

Khi mình đã bị bố mình đánh đập tàn nhẫn ngày này qua ngày khác, từ năm 1997 tới năm 2006, bằng đấm đá, dây thừng, dây điện, dép,... Và không chỉ vậy, bố mình không chỉ dùng bạo lực chân tay với mình, mà còn dùng cả những lời nói - luôn so sánh giữa mình với chị gái mình, với con nhà này nhà kia; đã thế lại có thêm ông bác anh trai của bố mình, thường chê bôi mẹ mình không biết đẻ, đẻ toàn con gái, toàn vịt,... 

Lúc bé mình nào có hiểu gì. Đến tận hơn hai mươi tuổi mình cũng không biết rằng những điều họ làm là sai trái. 

Vì chị mình nói với mình, do mình lì nên mình mới bị đánh, và chị mình cũng đi nói với những người khác khi họ hỏi về hành vi đánh đập tàn nhẫn của bố mình với mình khi mình còn nhỏ - nó ám ảnh mình tới nhiều năm sau, tới tận bây giờ và mãi sau này. 

Chị mình đã dùng cái câu "vì nó lì nên nó mới bị đánh". Một người có tư tưởng và cách sống với em út như vậy thì mình chọn là không đọc bất cứ cái gì chị viết dù chị là một người viết văn trong nước. 

Em bị đánh là vì em lì. 

Em bị hại là vì em ngu. 

Em bị hiếp là vì em không kéo xéc pa tuya vào. 

Em bị cướp là vì em không giữ đồ cẩn thận. 

Em bị ABC XYZ là vì em thế này vì em thế kia. 

Còn cái xã hội chủ nghĩa này là tốt đẹp, là công bằng bình đẳng bác ái :) 

Chẳng phải tội phạm giết người đứa nào cũng có lý do đổ lỗi cho nạn nhân đó sao. Và cái lý do nghe chừng rất hợp lý nếu chỉ là câu chuyện qua đường và nếu nạn nhân không tới mức mất mạng thì có lẽ ai cũng thấy có phần đúng là lỗi thuộc về nạn nhân. 

Nên mới có những bé Vân An bị đánh đập trong sự đồng tình của chính người thân, em chết đi mới có tiếng nói; và mới có những chị Dạ Thảo Phương bị xâm hại trong sự bao che tội phạm của cả một tập thể và quá nhiều người lên đồng đổ lỗi nạn nhân, chị ấy phải ra nước ngoài và 23 năm sau mới có tiếng nói,... 

Cho đến khi mình sinh con mình ra, mình học làm mẹ, mình sửa mình, mình lắng nghe bên trong, và học hỏi thêm về parenting, mình đọc về toxic parents, đọc về tâm lý học tội phạm,... Mình mới hiểu ra vấn đề của mình. Mình dành những ngày trong mùa hè 2021, khi hàng ngàn người Sài Gòn chết vì COVID và từ chối tất cả các lời mời đi làm trong hơn 1 năm này, chỉ để ở nhà chơi cùng con, học cùng con, và nghe các bài Pháp thoại, các bài chia sẻ chữa lành từ các sư thầy mà mình thích. 

Sáng mai con mình ngủ dậy, mình sẽ xin lỗi con vì đã đánh con và đã dạy sai cho con một thứ kiến thức thổ tả mà mình đã từng chấp nhận. Mình sẽ xin lỗi con vì mẹ đã đánh con, và nói với con rằng, con cần điều chỉnh và để mẹ nghỉ ngơi một chút khi mẹ bị stress, mẹ đánh con là vì mẹ không tự kiểm soát được chính mẹ, các cảm xúc toxic trong lòng mẹ, chứ không phải vì con trêu chọc mẹ - có thể vào một tình huống khác, mẹ khỏe mạnh hơn, thư giãn hơn, thì sự trêu chọc đó có khi lại thành dễ thương. 

Làm mẹ là một quá trình mà mình cần sửa mình, cần học nhiều hơn. 

Đặc biệt khó khăn với những trải nghiệm quá toxic của mình từ bé. 

30 thg 8, 2023

Vu Lan 2023

Ngày nào tôi cũng nhớ Mẹ. Nếu như có một khoảng đủ lắng, thì nỗi nhớ lại đủ sâu. Và vì thế, sống một cách lớt phớt về nội tâm, bận rộn về công việc và thiếu dần đi những khoảng đủ lắng, đã là một cách chọn lựa của tôi từ 2015 đến nay. 

Vu Lan mỗi năm luôn là khoảng thời gian khiến tâm trạng tôi dễ chùng xuống hơn. 

Da diết. Nuối tiếc. Và không biết đi về đâu. 

Có lẽ tâm trạng những đứa con mất mẹ đều sẽ vậy. 

Cách đây mấy hôm, 5h30 sáng, tôi bước lên một chiếc xe bus để đi xa nhà 30km để đi học ở một trường nhỏ vùng ven. Cái cảm giác của buổi sáng ấy, là ước chi cái buổi sáng ấy là sáng của mười năm trước, những ngày tôi còn có Mẹ. 

Và những câu hát cứ chạy trong đầu tôi, chảy trôi thành dòng... 

"Mười năm xưa đứng bên bờ dậu. Đường xưa hoa muối bay rì rào."

Hơn mười năm trước, tôi từng thích những câu hát trên của Trịnh. Sau khi Mẹ mất thì hiếm khi tôi nghe bài gì âm nhạc lê thê buồn bã và phải suy nghĩ nhiều quá. 

Tôi chỉ còn thích được làm việc, bận rộn, rồi đi ngủ. 

Tuy nhiên không vì thế mà việc gì cũng làm.

Những công việc mà mình được "xây trong chánh niệm", toàn tâm toàn ý và thấy được chính nó là một tổng thế, một ngày sống cũng là một ngày thành công, khi được làm. Thì có ý nghĩa với tôi hơn. 

Còn những công việc mà mình đứng đó xây một viên gạch nhưng không toàn tâm toàn ý, tự kiếm ánh trăng lừa dối từ những lời màu mè viễn tưởng về một bức tranh lớn, một công trình lớn. Thì khiến tôi chán nản, sợ hãi và hối lỗi. Một viên gạch không được chú tâm xây chắc chắn với tất cả tình yêu, thì không có gì đảm bảo cho một cái gì lớn lao từ đó. Mà dường như ở nước tôi, mọi người thích ăn to nói lớn vẽ viễn cảnh, mà không đặt hết tâm trí vào những bước chân đi rất nhỏ đời thường. Que sera sera... Có khi mình mới xây vài ba viên gạch thì đã tạch hay là công trình đã bị đình chỉ vì những vấn đề ngoài kiểm soát của mình rồi. 

Nên tốt hơn hết là cố gắng chọn được cái mình toàn tâm toàn ý và xây trong chánh niệm. 

Cố gắng chọn. 

Nhưng đừng chọn hái những nhánh cỏ cầu may. 


7 thg 8, 2023

"May mà có em đời còn dễ thương"

Một người thầy của tôi mới đi công tác Pleiku hơn tháng rưỡi về, và bảo rằng thời gian ở Pleiku thầy có một khoảng lặng nên dừng nhiều mối giao thiệp với mọi người chứ không riêng mình tôi. 

Quả thực tôi có buồn, vì sự kết nối với thầy giúp tiếng Anh của tôi khá hơn nhiều. 

Tôi nói với thầy rằng lúc tôi lên Pleiku, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt,... tôi cũng bị cảm giác đó. Chìm vào suy nghĩ nhiều hơn, và có thể có những ý tưởng mới, nhưng lại lười vận động lẫn giao thiệp. 

Tôi muốn giới thiệu cho thầy, và nhiều người biết tới một bài thơ mà tôi thích, nên dịch lại bài thơ "Còn chút gì để nhớ" của nhà thơ Vũ Hữu Định. 

Xin chia sẻ và giới thiệu cùng mọi người đọc bản thơ và bản dịch cho vui. 

(Hình lượm lặt trên mạng)


(Hình lượm lặt trên mạng)


Còn Chút Gì Để Nhớ

(Thi sĩ Vũ Hữu Định)


Phố núi cao phố núi đầy sương

Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn

Anh khách lạ đi lên đi xuống

May mà có em đời còn dễ thương


Phố núi cao phố núi trời gần

Phố xá không xa nên phố tình thân

Đi dăm phút đã về chốn cũ

Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng


Em Pleiku má đỏ môi hồng

Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông

Nên mắt em ướt và tóc em ướt

Da em mềm như mây chiều trong


Xin cảm ơn thành phố có em

Xin cảm ơn một mái tóc mềm

Mai xa lắc bên đồi biên giới

Còn một chút gì để nhớ để quên


(Tôi copy bản thơ trên mạng, nếu có từ ngữ nào sai sót với bản gốc, rất mong tác giả, thân hữu và các bạn đọc thứ lỗi). 


This is my translation:


What tiny thing 's left to remember 

by Vũ Hữu Định


(Translation: Tuệ An, Translation editor: Teresa Mei Chuc) 


Town up in the mountains shrouded in mist up high

Me - a stranger, wander up and down

Mountain-town of green trees and low-hanging skies

I feel blessed for your presence, life is sweet in this town 


Town high up in the mountain with the sky so near 

I walk a while, then return to the starting place 

Everything is near and  relationships are very close here 

When afternoon my soul feels no solace 


Pleiku-girl rosy lips, red cheeks 

Every afternoon here, it’s winter all of the time 

So your eyes are moist, your hair is damp and sleek

Your skin is as soft as the clouds’ fresh afternoon shine 


So grateful for your presence in this town, 

so grateful for your soft hair in the sunset 

When I leave here, it’s so far to get to the frontier hills,

what tiny thing 's left to remember to forget 


./. 
Và thật thiếu sót nếu như tôi không giới thiệu bài hát phổ nhạc bài thơ trên, bài hát "Còn chút gì để nhớ" của nhạc sĩ Phạm Duy - một vị nhạc sĩ tài hoa mà nhờ ông tôi mới biết đến những bản thơ gốc rất hay được ông chọn phổ nhạc. 

This is a song from poem “Còn chút gì để nhớ": 

https://www.youtube.com/watch?v=oKon49fkdNM 

Poem: Vũ Hữu Định 

Song: Phạm Duy 

Singer: Sĩ Phú (or you can search for the “Con chut gi de nho" clip that singer Thái Thanh sings). 


2 thg 8, 2023

Hòa bình và hòa nhập

 1. Lớp học của con tôi có 4 bạn nhỏ hòa nhập, là các bạn chậm nói hay có chút vấn đề tâm lý và tâm trí dù cùng độ tuổi với con. 

Quả thực nhìn những đứa nhỏ hòa nhập, tôi thấy rất thương và xót. Cũng cùng độ tuổi với con mình nhưng các bé thiệt thòi hơn nhiều khi chậm nói và có những tâm lý tiêu cực, hay khóc lóc gắt gỏng. Vì thế mà các con khó hòa nhập được với các bạn, cũng như được trải nghiệm những niềm vui tuổi thơ của con. 

Con tôi là đứa bé nhạy cảm và hiểu chuyện. Tôi thường nói với con về các bạn khiếm khuyết (tăng động, tự kỷ, khuyết tật,...) Con có người anh họ là trẻ tăng động. Và con cũng đã từng đi làng trẻ Hòa Bình vài lần để thăm các anh chị khuyết tật. 

Con bảo: - Mẹ ơi, em là bạn hòa bình, em thương bạn hòa nhập, em không giành đồ của bạn đâu. 

Và khi tôi hỏi: - Bạn hòa nhập giỏi hơn con hay con giỏi hơn bạn?

Con trả lời: - Con giỏi hơn bạn!

Tôi hỏi tiếp: - Vậy thì con phải làm sao?

Con nói: - Con phải bày cho bạn. 

Tôi thương con tôi quá. Giá như những người lớn chúng ta đều được hướng dẫn đủ về tình yêu thương và sự chia sẻ thì xã hội này bớt loạn lạc bao nhiêu. 

2. Dù là đứa bé thông minh và hiểu chuyện, nhưng không phải con tôi không có những điểm khuyết nào đó, mà một người làm mẹ thiếu kinh nghiệm, phải tự bơi, như tôi, không khỏi có những lúc căng thẳng.

Thậm chí, tối qua, tôi bắt con ngồi đối diện, mặt nhìn mặt, bắt con nhìn vào mắt mình để con thấy mắt tôi đang khóc, và tôi nói như quát vì những lỗi của con - chỉ trong một khúc chiều, chừng 20 phút thôi, mà lỗi chồng lỗi, khiến tôi chỉ muốn nổ tung. 

Con tôi là một đứa trẻ biếng ăn những bữa ăn chính ở lớp. Sáng đến, kiểu gì con cũng viện cớ: - "Mẹ ơi em bệnh rồi em không ăn nhiều được." Tôi đành làm bộ nói chuyện với cô giáo, xin cô cho con không phải ăn nhiều (dù trước giờ con chưa bao giờ ăn được hết suất ăn bình thường như các bạn). Nhưng tôi hiểu cái tâm lý này, vì bản thân tôi cũng có nhiều lúc nhìn đồ ăn thôi là muốn khóc và dậy lên sự sợ ăn. 

Nhưng con cũng như tôi, cũng thích những bữa ăn vặt nhỏ, với trái cây, chút quà bánh. 

Và lúc chiều về, đi ngang tiệm bánh tráng mà anh chị chủ hàng hay ngồi trước cửa ăn vặt. Vì tôi có mua hàng, tôi cũng hay đi ngang, hai bên đều dễ mến, nên hay chào. Và anh chị hay cho con tôi đồ ăn, điều mà tôi rất tránh, vì tôi dạy con không nhận đồ ăn của người lạ. Tôi rất sợ con sa đà vào các tệ nạn nghiện ngập sau này, nên ai cho gì, tôi cũng không muốn con lấy. 

Nhưng một bên anh chị hăm hở cho con nho, một bên con hăm hở nhận lấy chùm nho mà con rất thích. 

Đã ba buổi chiều như thế, ba lần con nhận như thế, còn tôi không biết làm sao, khi tôi nói với con là con không lấy và từ chối anh chị kia, mà cả 2 bên đều không chịu nghe. Rồi con cầm chùm nho vừa đi vừa ăn, tôi buồn và cáu quá, nói với con, vì con không nghe lời mẹ, mẹ sẽ im lặng từ đây về đến nhà. Con vừa đi vừa ăn vừa cố gợi chuyện cho mẹ nói. 

Rồi đến chỗ dừng chờ xe bus, con đứng hái một chiếc lá, thấy nhựa mủ chảy ra, con đưa ngón tay quẹt vào mủ đưa lên miệng liếm. Tôi hết hồn, quát con. Rồi lên xe, con có lẽ thấy rằng mình quậy thì mẹ sẽ cáu, sẽ quát, có lẽ dễ chịu hơn là mẹ giận và im lặng. Thế rồi con bày trò. Trên xe bus phải giữ yên tĩnh, nhưng con bắt đầu kêu meo meo ầm ĩ. Rồi về nhà con lại bày những trò khác. Bữa ăn tối rất náo loạn, căng thẳng và mệt mỏi. 

Còn ba con là một người tôi không biết nói sao. Ví như, khi tôi căng thẳng vì công việc, học hành, con cái. Tôi mất phương hướng và không biết giải quyết thế nào. Tôi cần ai đó lắng nghe chẳng hạn. Nhưng, khi tôi nhắn cho anh: "em stress quá", anh gửi lại cho tôi số liên hệ của tổng đài chăm sóc tâm lý coaching các kiểu đã được trả phí trọn gói từ công ty anh. Tôi cần chồng tôi, ba của con tôi, cùng tôi giải quyết các vấn đề về chăm sóc, nuôi dạy con cái, chứ không phải là cần một tổng đài coaching để phơi bày hết mọi thứ trong mình ra với những người xa lạ nào đó dù họ có bằng cấp chuyên môn. Họ không phải là người đồng hành với tôi và con tôi trong hành trình dài, như cả cuộc đời hay chí ít là một phần 20 năm đầu đời của con tôi được. 

3. Đã qua tháng 8/2023 rồi, dù thời gian này tôi không đi làm ở một công ty cố định, nhưng việc học hành và một số công việc freelance đã cuốn tôi vào vòng bận rộn dễ chịu. 

Tôi thích được bận rộn và được làm việc hết năng suất, đến mức mà không có khoảng thời gian rảnh rỗi để buồn và suy nghĩ những chuyện không vui thuộc về quá khứ, về con người - xã hội,... Và phải được trả tiền xứng đáng với năng lực cũng như công sức mà mình bỏ ra, cũng như phải đúng rank lương. 

Tôi ghét sự bất công. Cũng như tôi ghét sự rảnh rỗi vô ích. 

Khoảng thời gian này, tôi như con sâu ủ mình trong kén, tưởng chẳng làm gì, nhưng bên trong thực ra lại đang làm việc điên cuồng. 

Tôi hài lòng rằng, khoảng thời gian qua, nhờ học và làm nhiều, tôi đã không phải dính vào những chuyện drama kém lành mạnh, hay những con người quá hoa mỹ màu mè, trước sau bất nhất,... mà chắc là chốn công sở nơi nào cũng có. 

Hi vọng sau khoảng thời gian này, khi quyết định đi làm công ty trở lại, tôi sẽ có được nơi làm mà khiến mình muốn gắn bó không chỉ vài ba năm, mà phải được vài ba chục năm. 

Mà để được như thế, thì cần phải kỹ càng. 

Và phải cố gắng trong những tháng năm này thật nhiều. 

4. Nhiều lúc, thấy buồn. 

Hòa bình quá thì làm sao hòa nhập nổi với xã hội tôn thờ "cuộc sống là đấu tranh" này!

9 thg 1, 2023

Tôi nghĩ như thế nào về di truyền trong ung thư?

Mẹ tôi mất vì ung thư ống dẫn mật.

Dì ruột tôi đang bị ung thư vú.

Em con cậu ruột tôi bị ung thư máu và phải điều trị trong hơn năm năm.

Tôi từng học cao học ngành di truyền. Tất nhiên, tôi đọc nhiều và quan tâm nhiều về ung thư. Ngay cả trước khi những người thân trong gia đình tôi phát bệnh.

Tôi hiểu phần nào về nguyên nhân và cơ chế, diễn tiến từ mức phân tử tới mức lâm sàng của bệnh ung thư.

Nhưng, khi một số người, trình độ Ph.D. nói tôi rằng, bạn nên đi xét nghiệm gene để biết trong người bạn có gene ung thư hay không.

Tôi chỉ cười thôi.

Tôi thấy xã hội đang loạn lên cái xét nghiệm gene ung thư. Tôi đặt câu hỏi là để làm gì nếu bạn có hay không có gene bệnh ung thư?

Có thì bạn cần biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư hơn, vậy không có thì bạn không cần sao?

Bạn có biết các nguyên nhân dẫn tới ung thư không? Có rất nhiều nguyên nhân, và được gom vào 4 nhóm chính.

1. Di truyền

2. Sinh học (do nhiễm các vi sinh vật dẫn tới ung thư như HPV, HCV,…)

3. Hóa học (do nhiễm các chất độc từ môi trường sống, thực phẩm,… )

4. Vật lý (các tia xạ từ môi trường sống).

Tôi cho rằng yếu tố di truyền từ các thế hệ cá thể người không phải là yếu tố chính tại Việt Nam.

Mà các yếu tố 2,3,4 chiếm phần nhiều hơn rất nhiều. Mà để giải quyết được các vấn đề đó, thì năng lực của 1 người hay nhóm người nghiên cứu về sinh học hay sinh tin học đều không đủ khả năng để làm được nhiều thứ trong cái toàn thể.

Mà phải có sự hợp sức và thay đổi lớn từ cộng đồng và chính quyền thì chúng ta mới có thể làm điều gì đó để sức khỏe con người được cải thiện hơn, tránh bị ung thư bởi các yếu tố 2,3,4.

Nếu tầm soát ra mang gene bệnh ung thư hay không, thì chúng ta vẫn luôn phải phòng ngừa bệnh và khám sức khỏe định kỳ trong đó có tầm soát bệnh ung thư. Vì các yếu tố 2,3,4 diễn ra xung quanh chúng ta và rất khó kiểm soát bởi chính cá nhân vì nó còn phụ thuộc lớn vào cộng đồng, chính quyền và những người xung quanh mình.

Còn với hướng nghiên cứu trên những dữ liệu gene của người bệnh ung thư, trong tư duy còn nhiều hạn chế về kiến thức của mình, thì tôi cho rằng, chúng ta có thể tìm ra được phương cách nào đó giải quyết vấn đề ung thư, nhưng với đối tượng là những người đã phát bệnh và cần liệu pháp điều trị.

Chúng ta có thể tìm ra liệu pháp để tầm soát sớm hơn, để bệnh nhân biết bệnh sớm hơn với giá thành tầm soát rẻ hơn?

Chúng ta có thể tìm ra những phương cách nào với các liệu pháp miễn dịch trúng đích để kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư hơn - nếu họ muốn sống lâu hơn? Tôi lưu ý về sự muốn sống hay không muốn sống của chính người bệnh vì chất lượng sống của người bệnh rất quan trọng. Nếu bệnh nhân thực sự muốn sống lâu hơn với chất lượng sống tốt, thì các liệu pháp điều trị trúng đích nên được sử dụng để giúp họ đạt mong muốn. Còn nếu trường hợp bệnh nhân không muốn sống lâu hơn, hãy để họ ra đi theo cái chết tự nhiên - hoặc với giải pháp tốt hơn, tôi có suy nghĩ nhiều về cái chết nhân đạo khi chứng kiến sự sống giai đoạn cuối của bệnh nhân ung thư với sự mong muốn được giải thoát của họ.

Quay lại với việc chúng ta nghiên cứu dữ liệu gene của các bệnh nhân ung thư nên như thế nào? Lại là với mức trình độ của tôi còn hạn chế - chỉ với các học phần lý thuyết về ung thư trong giai đoạn học cao học, và với những suy nghĩ trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư. Tôi có nhiều lưu ý về một số khái niệm như đột biến gene, biến động gene, gene nhảy và telomere.

Tôi cho rằng các khái niệm trên chính là các keyword để chúng ta đi sâu vào tìm hiểu để từ đó tìm ra được giải pháp cho bệnh nhân đã phát bệnh ung thư, ít nhất là cơ thể đã mang tế bào ung thư.

Về đột biến gene, tại sao lại đột biến gene, lại quay lại 4 nhóm nguyên nhân mà tôi đã liệt kê ở trên. Do đó, chúng ta sẽ không giải quyết được về mặt di truyền các thế hệ khi các nguyên nhân lớn hơn không thuộc về tầm kiểm soát của cá nhân hay thế hệ trong gia đình.

Về biến động gene, tôi biết rằng trong quá trình tế bào phát triển, gene sẽ tiếp nhận các yếu tố bên ngoài và từ đó có thể có sai và có quá trình sửa sai. Các liên kết hydro là các liên kết yếu, nên việc sai một vài nucleotide là điều dễ hiểu, và chúng ta nên lưu ý về việc gene có quá trình sửa sai. Với việc sai và sửa sai gene theo cách của tự nhiên, chúng ta hiểu hơn về biến động gene trong tế bào.

Gene nhảy, cũng là một điều thuộc về biến động gene nói trên, chúng ta nên lưu ý để xem sự góp phần của nó vào việc biến một tế bào bình thường thành tế bào ung thư như thế nào. Và làm thế nào để hạn chế, hay quy luật nhảy của gene là gì? Có lẽ cái này cần rất rất nhiều dữ liệu để tìm ra quy luật.

Về telomere, tại sao tôi đặc biệt lưu ý tới telomere? Vì đây là đoạn gene không mang thông tin nhưng quyết định tuổi thọ và cái chết của tế bào như thế nào. Và bạn cũng thấy rõ, với những tế bào có tuổi thọ dài, ít phân chia, thì rất hiếm các trường hợp ung thư, và các tế bào có tuổi thọ ngắn, phân chia nhanh, nhiều thì số trường hợp ung thư cũng tỉ lệ thuận với điều đó. Ví dụ như, chúng ta biết đến các bệnh nhân ung thư tế bào thần kinh ít hơn số bệnh nhân ung thư máu hay ung thư da.

Từ đó, tôi cho rằng, telomere sẽ chứa nhiều chức năng hơn những gì kiến thức khoa học hiện tại biết. Nên việc tìm hiểu về telomere sẽ có thể cho ra lời giải nào đó cho bài toán về bệnh ung thư.

 Một Người Thầy của tôi góp ý thêm cho tôi (sau khi tôi gửi Anh xem nội dung viết trên), tôi xin phép được bổ sung vào bài viết này, để nội dung được khách quan hơn: 

Anh xin cảm ơn em đã chia sẻ. Anh đồng ý với các ý hay mà em đã chia sẻ. Xét nghiệm tầm soát đột biến gien ung thư germline chỉ phù hợp với những người có nguy cơ cao do tiền sử bệnh lý gia đình, cá nhân, hoặc do các đặc điểm lối sống, công việc, nguy cơ phơi nhiễm và tiếp xúc với tác nhân gây ung thư.

Xét nghiệm đột biến gien ung thư có thể gây ra các hiệu ứng tâm lý, stress, âu lo,…

Vì vậy mình chỉ nên xét nghiệm khi thật sự cần thiết.

Các thông tin từ các xét nghiệm này sẽ giúp Bác sĩ đánh giá đầy đủ và chính xác hơn về mức độ nguy cơ ung thư, các hệ cơ quan có khả năng bị ảnh hưởng, độ tuổi dễ phát bệnh,… Từ đó, các BS sẽ có các giải pháp theo dõi lâm sàng , can thiệp sớm phù hợp. 

Anh xin lấy ví dụ như sau. Nếu mình có đột biến gien BRCA1/2 thì mình cần theo dõi vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, tuỵ, máu. 

https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/genetics/brca-fact-sheet

BRCA Gene Mutations: Cancer Risk and Genetic Testing Fact Sheet

Nếu mình có đột biến gien RABL3 thì Bs sẽ cần siêu âm tuỵ hoặc chụp MRI tuỵ định kỳ hàng năm hoặc thường xuyên hơn. Các đột biến trên RABL3 sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ K tuỵ. Khi mình biết để theo dõi và phát hiện sớm các tổn thương K tuỵ thì việc phẫu thuật loại bỏ khối u và điều trị sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Như vậy, nếu xét nghiệm tầm soát đột biến gien ung thư germline được làm đúng cách, đúng chỉ định cho các trường hợp nguy cơ cao thì BS sẽ lựa chọn được phương pháp theo dõi và can thiệp lâm sàng hiệu quả hơn, em ạ. 

Cám ơn góp ý của Anh - một Người Thầy tôi rất quý trọng. 



10 thg 12, 2021

Bóc mẽ những câu thiên hạ hay chém gió!


1. "Quẳng cái cân đi và vui sống" - sự thật là nếu bạn không quan tâm đến cân nặng, để cân nặng rời khỏi ngưỡng trung bình BMI, vui thì vui đấy, nhưng sống không được lâu đâu. Nên giữ cân nặng ổn định, và nên cân định kỳ. Kiểm soát cân nặng của bạn không vượt quá hay tụt dưới mức cho phép. 

Những kẻ xúi bạn không quan tâm tới kg cơ thể, thì chắc chắn họ không có trách nhiệm với tuổi thọ của chính bạn đâu. 

2. "Đừng để bản thân chết ở tuổi 25 rồi đến 75 tuổi mới được đi chôn." - Những kẻ phát ngôn và tin tưởng câu này đảm bảo học ẹ môn sinh học và chắc chắn không phải là bác sĩ. Dù từ 25 tuổi đến 75 tuổi bạn có sống an nhàn, không bon chen, không ước mơ, không hoài bão, không chiếm các thành tựu,... thì khi bạn đang thở, máu bạn đang chảy,... bạn vẫn đang sống với những hoạt động mạnh mẽ bên trong của cơ thể bạn. Hai năm COVID-19 vừa qua, dạy cho chúng ta rằng, giữ được hơi thở - là điều đáng quý nhất. Nghe cái bọn đa cấp xúi giục ba linh tinh để lao đầu vào làm "chiến binh" với những cái KPI sản phẩm tất nhiên mang lợi doanh thu, bất chấp việc bỏ mặc sức khỏe của bạn, sống đến tuổi 75 có khi là ước mơ viển vông. Để kéo dài được cuộc đời đến tuổi 75 hoặc nhiều hơn cho người ta mang đi chôn, thì theo tôi, đó là một điều thành công và cần nhiều nỗ lực. 

3. "Người đẻ đất không đẻ" - câu cửa miệng của các con dân kinh doanh bất động sản, mua đất đi, mua nhà đi các anh chị, người đẻ đất không đẻ :"> Không ai nói với các bạn rằng, người chết đất không chết : ))) Thật thì, nếu bạn quan tâm đến quá trình phong hóa của đất, bạn sẽ biết đất có bị xâm lấn và có được đắp bồi, do đó nói đất không đẻ hay không chết, chưa chắc đúng. Nhưng điều đúng, là quá trình sinh tử của con người diễn ra nhanh, và dễ thấy hơn quá trình của đất rất nhanh. Ở Việt Nam, chúng ta sẽ dần thấy những căn nhà hoang, hoặc rất rất neo người, như ở các nước Tây Âu đã diễn ra nhiều năm qua, khi mà lựa chọn sinh con thêm của các cặp vợ chồng ngày càng ít, thậm chí nhiều người trẻ lựa chọn không sinh con.  Và nhiều ngôi nhà rộng rãi, thậm chí giá trị bđs rất cao, nhưng chỉ có 1-2 người già ở trong đó, vì thế hệ chúng ta và các thế hệ sau, rất ít người muốn vì cái của nả tổ tiên để lại mà phải buộc chân vào một chỗ. 

Người đi, đất không đi. Bám chấp vào đất, thì khó đi. 

P.S, còn nhiều cái một nửa sự thật nữa các bạn ơi, khi nghề chém gió lên ngôi, hihi.

1 thg 11, 2021

viết vụn bên ly cafe không đắng như ngày cũ

1. mộng mơ và lơ mơ 

Có một cái trào lưu, không biết ai là thống soái. Nhưng mình lờ mờ cảm nhận, nhiều người, từng thích imagine với John Lennon, Dumb với Kurt,… trong đám bạn mình, là kẻ đi theo. Làm bộ bày tỏ chán ghét thế giới thực tại, lũ toan tính, và tự nhận mình là những kẻ mộng mơ. 

Mình không biết có thuộc diện những kẻ mộng mơ không, dù cũng thấy thích thích nghe những bản nhạc trên, cũng từng ước ao về cái đẹp, và từng ngẩn ngơ ra trước những cảnh bình yên lãng mạn các kiểu. 

Một thời điểm nào đó chắc có
Nhưng hiện tại thì không chắc chắn 

Dù cuộc đời dạy chúng ta, muốn được làm một kẻ mộng mơ được giữa cuộc đời này, thì phải bớt làm người lơ mơ. 
Nhưng mình thấy lơ mơ nhiều khi nó cũng là một cái thú :D 
Và mình thấy mình có lòng tin rằng ai đó khi họ nói họ đang lơ mơ hơn khi họ nói họ đang mộng mơ. 

2. cà phê không cần uống đắng 

Mình đã có khoảng thời gian dài không biết làm cách nào để tỉnh nổi, dù mỗi ngày vẫn đều đặn uống ít nhất một ly cafe. 
Hôm nay ngồi trước một ly cà phê rang nhẹ rất thơm và ít đắng nghe Vũ bảo là lượng cafein cao hơn loại rang đắng, không biết sẽ khiến mình tỉnh táo hơn bao nhiêu

Mình uống cà phê từ mười lăm năm trước hoặc xa hơn. Uống để tỉnh ngủ, chứ không phải vì mình ghiền. Kỳ thực, mình ghét cay ghét đắng - chính xác là ghét vị cay ghét vị đắng, của bất cứ món gì - ăn, uống hay cuộc sống. 

Những ngày mình còn là sinh viên, giờ giải lao như một thói quen, phải có một ly cà phê uống vội để tỉnh. 

Không biết tại sao mình thèm ngủ đến kinh khủng, và nhu cầu ngủ của mình hồi còn là học sinh, có thể khiến con bạn thân nhất của mình hồi đó phải há hốc mồm vì ngạc nhiên khi nó hỏi: mi làm gì mà không làm bài nổi? - tau ngủ. 

Từ bé, mình đã không thích luyện phim một cách thụ động theo từng tập của những bộ phim dài kỳ chiếu trên truyền hình. Mình thích xem phim, nhưng chỉ xem phim chiếu rạp hoặc phim 1-2 tập, không xem dài tập. Mình cũng từ chối các cuộc tụ tập chỉ để ăn - chơi - tám phét vớ vẩn. 

Thế nên thời gian của mình cắt ra từ những việc đó - dùng làm gì? Chỉ để ngủ. 

Nhưng lên đến thời sinh viên thì khác. Mình nhận ra có nhiều thứ quá vui để chơi, để học, để đọc, để lang thang,... mà tất nhiên mình không thể bỏ học, khi đã lỡ đâm đầu vào một chuyên ngành quá nặng ở một ngôi trường đệ nhất ép xác sinh viên. 

Mình không còn được ngủ thỏa thuê như trước nữa. Từ đó, mỗi ngày mình đã uống cà phê để thức. 

Tập tành uống vội từ cafe căn tin trường, tới những gói cafe hòa tan 
Đến những ly cafe đen đặc quánh, những giọt đậm cần mẫn rơi xuống từ phin cafe 

Có nhiều ngày, gần như mỗi ngày mình chỉ ngủ 3-5 tiếng, nghĩ lại giai đoạn đó, mình thấy thương mình. Giai đoạn mình không có nhiều cảm giác vui. Vùi đầu vào đọc, viết, vẽ, nhận đủ thứ việc từ có phí tới không phí, từ phí cao tới phí thấp,... như một cách giết thời gian, và hủy hoại cái nỗi buồn đang ngự trị trong mình. Vì mình tin rằng, khi mình buồn quá, mình làm việc nhiều đến mức thiếu thời gian để ngủ, thì buồn nào rồi cũng sẽ qua, chỉ có buồn ngủ mới là cái buồn còn lại. Nhưng giờ qua ba mươi, mình thấy rằng, có nhiều khi, người ta buồn quá đến mức không thể nào ngủ được. 

Những người từng hẹn cafe với mình ngày nào, thấy mình hay uống cafe đen, tưởng mình thích điều đó. Khi mình làm việc ở nhà, có khi còn uống cafe đen không đường không đá. Nhiều người cứ nghĩ vậy là gu, là một cái quái quái lạ lạ thường thấy ở những người viết và thích sống cô độc. Thật ra thì những lúc đó có thể do mình đang quá mải làm việc và lười lấy đường đá thôi chứ chẳng phải mình thích gì. Mình chỉ coi cafe như một thứ nước uống cho xong, tỉnh táo, để làm việc. 

Gần đây mình mới biết đến loại cafe pha lạnh, uống mát, đắng nhẹ, không thơm như cafe pha phin, nhưng giúp mình tỉnh táo. 

Ba điều mà mình thích ở hạt cafe sau khi chế biến: mùi thơm, sự tỉnh táo do cafein mang lại, màu cafe. 
Còn vị đắng - quả thực, mình rất ghét. 
Cho đến khi mang bầu và hạn chế cafe, thay những ly cafe đen đậm qua những ly bạc xỉu, mình mới nhận ra mình thích uống ngọt. Và cho đến khi cơ thể mình gầy đi và phải ăn uống bổ sung, mình mới nhận ra, mình thích ngọt hơn đắng. 

Thế nên, khi tập tành pha lạnh cà phê, mới đầu, mình nghĩ cần phải cho đường hoặc sữa vào một khâu nào đó. Nhưng đọc các công thức hướng dẫn cách pha, tuy có thấy nói cà phê pha lạnh có thể dùng với đường hoặc sữa tùy sở thích, nhưng không thấy hướng dẫn cho đường hoặc sữa vào khâu nào, thời điểm nào, trước khi ngâm lạnh cafe hay sau khi đã tách nước cafe,... Mình bèn vào một group dành cho những người thích uống cafe cold brew để hỏi điều này. Một loại comment vào thể hiện, kiểu dạy cho mình biết rằng những người uống cafe cold brew thì không uống với đường, và mình là loại người không biết uống. Thì thôi em về :) Mình lặng lẽ xóa post và leave group đấy. 

Chúng mày uống để thể hiện hay uống để làm gì hở những kẻ tự nhận là tín đồ? :) 

Mình nói với anh của người bạn lâu năm, nhà làm cafe ở Đà Lạt: em muốn uống cafe cho tỉnh, nhưng em không uống được đắng. Anh bảo, em kêu Vũ rang nhẹ thôi. 

Mình mới biết hóa ra độ đắng của cafe do tay người rang. Vũ bảo, rang nhẹ thì có vị hơi chua đấy, chỉ loại cafe ngon mới rang nhẹ được. 

Pha ly cafe có vị hơi chua hơn bình thường một chút. Hỏi Vũ, uống có cảm giác nước trái cây đấy Vũ. Ừ, cà phê là trái cây mà. 

Tìm hiểu thêm những cách pha khác, và thêm về cafe cold brew, mới biết rằng, cafe pha lạnh không chỉ là cafe pha lạnh, mà nó còn là pha loãng. Nó loãng hơn cafe pha phin như trước đây mình từng hay uống, ở cái giai đoạn ngày chỉ ngủ chừng 3-5 tiếng và mỗi năm viết một cuốn sách. 

Cafe pha loãng đi, mát lạnh, hơi có vị chua,... nhân nhẩn đắng chứ không đắng đậm, nó lại gần với tiêu chí uống của mình hơn. Tuy nhiên, cà phê pha lạnh lại không tỏa hương cafe thức tỉnh cả căn phòng như khi mình pha phin nóng nữa. Nên mỗi lần múc những muỗng cafe ra để pha, mình lại đưa lên mũi mà ngửi cái mùi hương mình thích ấy, từ những ngày xưa cũ đến giờ. 

Giờ, mình vẫn uống cà phê mỗi ngày, và cà phê không cần uống đắng. 

Khi con mình lớn lên, hẳn mình sẽ chỉ con thấy, ly cafe đắng hay ngọt hay ở độ nào - là tùy con; cũng như cuộc sống vui hay buồn, mộng mơ hay lơ mơ - cũng là từ con; chứ không phải do người nào, style nào quy định. 




26 thg 10, 2021

Chọn trường cho con - là điều quan trọng

Đêm, xem đi xem lại clip em bé 2 tuổi bị bạn đánh. Mình đau lòng quá. Tình cờ, lúc chiều đem con xuống sân chơi, có một mẹ có con 17 tháng hỏi kỹ chuyện chọn trường cho con. Lúc đó mình có chia sẻ, nhưng hoàn toàn ko biết clip này, nên thiếu sót một số thứ, lại ko có liên lạc của mẹ bé đó để nhắn bổ sung. Nên giờ mình note vào đây, mong sao mẹ đọc đc. 

Xem clip nhóm trẻ tư thục và giải trình của trường trên báo, mình thấy các vấn đề là: 

Lớp có nhiều nhóm tuổi và chênh lệch tuổi khá nhiều. Cụ thể là bé 3 tuổi đánh đá bé chưa đến 2 tuổi (theo báo), còn em bé chạy ra cửa đứng gọi cô thì mình đoán có thể hơn 3 tuổi. Trẻ con chênh lệch nhau vài tháng cũng khác biệt lắm rồi. Nên gửi con thì trường nhất định phải phân nhiều lớp theo độ tuổi, dưới 3 tuổi thì chênh lệch 6 tháng 1 lớp. Như thế các bé sẽ sàn sàn nhau, bé này đánh qua thì bé kia cũng đánh lại đc chứ ko đến nỗi như trong clip. 

Nơi giữ trẻ trong clip bị thiếu nhân sự. Nên xảy ra tình trạng cô trông trẻ phải đi dọn dẹp bên ngoài và ko có ai trong lớp với các cháu.  Nên khi chọn trường, thì trường phải có đủ nhân sự phụ trách các bộ phận, để các cô giữ cháu lo việc giữ cháu, các cô dọn dẹp lo việc dọn dẹp, các cô nấu ăn lo việc nấu ăn, chứ ko phải là ko có cô nào giữ các cháu vì bận đi lo dọn dẹp bên ngoài.  

Nói chung, trong việc chọn trường cho con mình khi con chưa đầy 6 tháng mình đã để ý, thì mình cảm giác mình may mắn và được trời thương, đc bạn bè giúp đỡ, chứ cũng ko phải là mình biết chọn lựa gì. Cảm ơn mọi người, mọi điều, mà con mình đã trải qua những tháng năm đầu đời dễ chịu. 

Bài báo và clip về vụ việc, khiến mình thấy rõ hơn, việc chọn trường cho con học, chọn môi trường cho con sống,... là cực kỳ quan trọng. 

Và từ khi mình chưa sinh con, mình đã tin rằng, giáo dục con trong độ tuổi mầm non là quan trọng nhất cuộc đời. Càng ngày mình càng tin điều đó. 

Nên từng có 1 cô nói với vợ chồng mình rằng: con nít học đâu chẳng được, chúng mày ngày xưa cha mẹ vứt lung tung rồi cũng nên người đấy, có sao đâu. Thì sau đó, khi về nhà, mình đã nói với chồng mình: sau này em không muốn đem con qua chơi nhà cô đó nữa. 

Con cháu cô ấy, cô muốn vứt lung tung đâu mình không quan tâm, nhưng con mình thì không bao giờ.

Nguồn: https://thanhnien.vn/be-gai-2-tuoi-bi-3-ban-trai-cung-lop-danh-hoi-dong-post1394192.html

20 thg 10, 2021

Mọi khoảnh khắc bạn sống - là của bạn

Bạn thân mến!

Bạn có thực sự cần một ngày lễ kỉ niệm cho riêng mình không? Khi mà khoảnh khắc hiện tại, bạn sống tròn đầy, trân trọng và giá trị.

Sống trong chánh niệm - ở đây, hiện tại, bây giờ

Và cảm nhận nó - thời gian của bạn, cảm xúc của bạn

Những thứ mà chúng ta không thể cầm nắm đó, thời gian và cảm xúc mà bạn thực sự đang sống ấy, nó lại chính là cái mà đời sống bạn chắc chắn sở hữu.

Nếu lý trí và tâm hồn bạn không cho phép, không ai có thể chiếm lấy, can thiệp hay tước bỏ.

Những thứ vật chất phù hoa bạn đã có, đang có, hoặc cố gắng sẽ có, thực ra lại dễ dàng mất đi và không còn là sở hữu của mình, dễ dàng hơn bạn tưởng. Dễ mất hơn việc mình gìn giữ cái thực sự trong lòng bàn tay mình - đó là thời gian và cảm xúc ở hiện tại.

Một người sống một cuộc đời - có thể đạt được nhiều thứ, nhưng mất đi, không ai ôm theo được điều gì thuộc về vật chất. Nhà cao cửa rộng đồn điền công xưởng hay một đế chế… rồi cũng là gì, khi thân cát bụi còn trở về cát bụi? Thân thể là thành trì về vật chất cuối cùng của mỗi con người, nhưng khi chúng ta mất đi, thành trì cuối cùng ấy - quan trọng với chúng ta biết mấy, mà chúng ta lại ít biết giữ gìn củng cố và bảo hành bằng các công trình gạch đá ngoại thân, rồi thì thân thể cũng tan rã.

Mọi thứ vật chất đều là của người khác, thể hệ tiếp nối, hay không ai cả. Không biết được của ai, nhưng chắc chắn không phải của chúng ta.

Chỉ có cuộc sống chúng ta đang sống, thời gian và cảm xúc, ở chính hiện tại này mà thôi, là thuộc về chúng ta, trọn vẹn.

Nếu chúng ta mất đi, cuộc đời chúng ta đã sống, đã trải nghiệm đó, cũng đi theo chúng ta, mà không ai có thể sống thay ai. Ngay cả chính chúng ta, cũng không thể sống lại cuộc đời của chính mình, thêm một lần nữa.

Vậy thì chúng ta có cần đến lễ lạt kỉ niệm, hay những hoa quà phù phiếm, những khen tặng ảo ảnh không?

Có chút cho lòng lao xao. Có người thích một bầu trời tỉnh thức, nếu ai cũng sống trong tỉnh thức, trong chánh niệm, vui về tự tâm, thì cuộc đời phàm trần chẳng lẽ chỉ có một màu trời tỉnh thức? Như thế chắc sẽ không nhiều cung bậc buồn vui, chẳng còn gì để bàn, chúng ta xin dừng lại tại đây. Nhưng một bầu trời với nhiều đám mây, nhiều màu sắc, hình dạng lại đang tồn tại để mọi người phỏng đoán, tưởng tượng, bàn về… dường như đúng hơn với cuộc sống thực tại này, xã hội này - một thế giới không bao giờ trong vắt không một gợn mây, một áng bụi.

Những gợn tham sân si phù phiếm vẫn tồn tại.

Những mong cầu vẫn tồn tại.

Những hoa những quà những câu chúc lời khen vẫn cần tồn tại - để bày tỏ hiện hữu được bằng hình ảnh cho những thứ biết quý giá hơn nhưng lại khó thể nào rõ ràng trong mắt người khác, mà có khi chính bản thân mình cũng không biết được rõ ràng - là thời gian và cảm xúc của mình, ở hiện tại.

Nhưng để cho một thời điểm được quy định theo tờ lịch, chỉ một ngày đó - để tôn vinh, vì bạn là phụ nữ; hay một ngày để tôn vinh - vì bạn là doanh nhân, một ngày để tôn vinh - vì bạn là trẻ em,… thì không đủ, không thể nào là đủ.

Bởi những ngày khác, những thời điểm khác, không trong tờ lịch, nhưng trong hiện tại - cái hiện tại mà bạn đang sống, đó chính là thời điểm của bạn.

Chính bạn phải nâng niu hiện tại - mà không cần chờ đợi một ai.

Nâng niu hiện tại - trân trọng bản thân, để không cho phép ai chà đạp lên, tước đoạt hay áp chế thời gian và cảm xúc của bạn.

Nếu bạn bị khổ đau vì đã dành thời gian và cảm xúc cho người không đáng, quay lại, trách ai? Không ai trách người không lấy gì thuộc về vật chất của người khác, pháp luật hiện hành cũng không định tội những kẻ cướp cảm xúc và thời gian trong trái tim của một con người mà chỉ xác lập những tội lỗi thuộc về vật chất, tài sản, thân xác, ngôn từ đã bật ra khỏi suy nghĩ, …

Thế nên, hãy vì chính bạn, chính cuộc đời bạn mà nâng niu thời gian và cảm xúc bạn đang sống - ở đây, hiện tại, bây giờ

Bất cứ lúc nào, không riêng 20/10, không riêng 8/3,… không riêng ngày nào cả, cuộc sống để sống, phải sống thật đáng sống

Những gì không đáng, nhất định phải gạt ra khỏi cuộc sống của bạn

Những gì xứng đáng, ghi nhận và biết ơn trọn vẹn  

Thời gian và cảm xúc trong hiện tại, khoảnh khắc của bạn, là của bạn, dành cho chính bạn - và dành cho những người mà bạn yêu thương như yêu thương chính bản thể của bạn.

P.S., Với mình hiện tại, thời gian và cảm xúc của mình nhất định trọn vẹn với mình và con mình. Những người làm mình khổ đau, mình đã dần dà gạt họ ra khỏi cuộc sống của mình. Đời sống của mình là để sống chứ không phải để chịu đựng. 








 

Những giọt vui nho nhỏ

Giữa những hành vi toxic không hiếm thấy của người này và người nọ. Tự dưng mình nhặt được những niềm vui nho nhỏ.  Như hôm qua, D.nhắn tron...