9 thg 1, 2023

Tôi nghĩ như thế nào về di truyền trong ung thư?

Mẹ tôi mất vì ung thư ống dẫn mật.

Dì ruột tôi đang bị ung thư vú.

Em con cậu ruột tôi bị ung thư máu và phải điều trị trong hơn năm năm.

Tôi từng học cao học ngành di truyền. Tất nhiên, tôi đọc nhiều và quan tâm nhiều về ung thư. Ngay cả trước khi những người thân trong gia đình tôi phát bệnh.

Tôi hiểu phần nào về nguyên nhân và cơ chế, diễn tiến từ mức phân tử tới mức lâm sàng của bệnh ung thư.

Nhưng, khi một số người, trình độ Ph.D. nói tôi rằng, bạn nên đi xét nghiệm gene để biết trong người bạn có gene ung thư hay không.

Tôi chỉ cười thôi.

Tôi thấy xã hội đang loạn lên cái xét nghiệm gene ung thư. Tôi đặt câu hỏi là để làm gì nếu bạn có hay không có gene bệnh ung thư?

Có thì bạn cần biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư hơn, vậy không có thì bạn không cần sao?

Bạn có biết các nguyên nhân dẫn tới ung thư không? Có rất nhiều nguyên nhân, và được gom vào 4 nhóm chính.

1. Di truyền

2. Sinh học (do nhiễm các vi sinh vật dẫn tới ung thư như HPV, HCV,…)

3. Hóa học (do nhiễm các chất độc từ môi trường sống, thực phẩm,… )

4. Vật lý (các tia xạ từ môi trường sống).

Tôi cho rằng yếu tố di truyền từ các thế hệ cá thể người không phải là yếu tố chính tại Việt Nam.

Mà các yếu tố 2,3,4 chiếm phần nhiều hơn rất nhiều. Mà để giải quyết được các vấn đề đó, thì năng lực của 1 người hay nhóm người nghiên cứu về sinh học hay sinh tin học đều không đủ khả năng để làm được nhiều thứ trong cái toàn thể.

Mà phải có sự hợp sức và thay đổi lớn từ cộng đồng và chính quyền thì chúng ta mới có thể làm điều gì đó để sức khỏe con người được cải thiện hơn, tránh bị ung thư bởi các yếu tố 2,3,4.

Nếu tầm soát ra mang gene bệnh ung thư hay không, thì chúng ta vẫn luôn phải phòng ngừa bệnh và khám sức khỏe định kỳ trong đó có tầm soát bệnh ung thư. Vì các yếu tố 2,3,4 diễn ra xung quanh chúng ta và rất khó kiểm soát bởi chính cá nhân vì nó còn phụ thuộc lớn vào cộng đồng, chính quyền và những người xung quanh mình.

Còn với hướng nghiên cứu trên những dữ liệu gene của người bệnh ung thư, trong tư duy còn nhiều hạn chế về kiến thức của mình, thì tôi cho rằng, chúng ta có thể tìm ra được phương cách nào đó giải quyết vấn đề ung thư, nhưng với đối tượng là những người đã phát bệnh và cần liệu pháp điều trị.

Chúng ta có thể tìm ra liệu pháp để tầm soát sớm hơn, để bệnh nhân biết bệnh sớm hơn với giá thành tầm soát rẻ hơn?

Chúng ta có thể tìm ra những phương cách nào với các liệu pháp miễn dịch trúng đích để kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư hơn - nếu họ muốn sống lâu hơn? Tôi lưu ý về sự muốn sống hay không muốn sống của chính người bệnh vì chất lượng sống của người bệnh rất quan trọng. Nếu bệnh nhân thực sự muốn sống lâu hơn với chất lượng sống tốt, thì các liệu pháp điều trị trúng đích nên được sử dụng để giúp họ đạt mong muốn. Còn nếu trường hợp bệnh nhân không muốn sống lâu hơn, hãy để họ ra đi theo cái chết tự nhiên - hoặc với giải pháp tốt hơn, tôi có suy nghĩ nhiều về cái chết nhân đạo khi chứng kiến sự sống giai đoạn cuối của bệnh nhân ung thư với sự mong muốn được giải thoát của họ.

Quay lại với việc chúng ta nghiên cứu dữ liệu gene của các bệnh nhân ung thư nên như thế nào? Lại là với mức trình độ của tôi còn hạn chế - chỉ với các học phần lý thuyết về ung thư trong giai đoạn học cao học, và với những suy nghĩ trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư. Tôi có nhiều lưu ý về một số khái niệm như đột biến gene, biến động gene, gene nhảy và telomere.

Tôi cho rằng các khái niệm trên chính là các keyword để chúng ta đi sâu vào tìm hiểu để từ đó tìm ra được giải pháp cho bệnh nhân đã phát bệnh ung thư, ít nhất là cơ thể đã mang tế bào ung thư.

Về đột biến gene, tại sao lại đột biến gene, lại quay lại 4 nhóm nguyên nhân mà tôi đã liệt kê ở trên. Do đó, chúng ta sẽ không giải quyết được về mặt di truyền các thế hệ khi các nguyên nhân lớn hơn không thuộc về tầm kiểm soát của cá nhân hay thế hệ trong gia đình.

Về biến động gene, tôi biết rằng trong quá trình tế bào phát triển, gene sẽ tiếp nhận các yếu tố bên ngoài và từ đó có thể có sai và có quá trình sửa sai. Các liên kết hydro là các liên kết yếu, nên việc sai một vài nucleotide là điều dễ hiểu, và chúng ta nên lưu ý về việc gene có quá trình sửa sai. Với việc sai và sửa sai gene theo cách của tự nhiên, chúng ta hiểu hơn về biến động gene trong tế bào.

Gene nhảy, cũng là một điều thuộc về biến động gene nói trên, chúng ta nên lưu ý để xem sự góp phần của nó vào việc biến một tế bào bình thường thành tế bào ung thư như thế nào. Và làm thế nào để hạn chế, hay quy luật nhảy của gene là gì? Có lẽ cái này cần rất rất nhiều dữ liệu để tìm ra quy luật.

Về telomere, tại sao tôi đặc biệt lưu ý tới telomere? Vì đây là đoạn gene không mang thông tin nhưng quyết định tuổi thọ và cái chết của tế bào như thế nào. Và bạn cũng thấy rõ, với những tế bào có tuổi thọ dài, ít phân chia, thì rất hiếm các trường hợp ung thư, và các tế bào có tuổi thọ ngắn, phân chia nhanh, nhiều thì số trường hợp ung thư cũng tỉ lệ thuận với điều đó. Ví dụ như, chúng ta biết đến các bệnh nhân ung thư tế bào thần kinh ít hơn số bệnh nhân ung thư máu hay ung thư da.

Từ đó, tôi cho rằng, telomere sẽ chứa nhiều chức năng hơn những gì kiến thức khoa học hiện tại biết. Nên việc tìm hiểu về telomere sẽ có thể cho ra lời giải nào đó cho bài toán về bệnh ung thư.

 Một Người Thầy của tôi góp ý thêm cho tôi (sau khi tôi gửi Anh xem nội dung viết trên), tôi xin phép được bổ sung vào bài viết này, để nội dung được khách quan hơn: 

Anh xin cảm ơn em đã chia sẻ. Anh đồng ý với các ý hay mà em đã chia sẻ. Xét nghiệm tầm soát đột biến gien ung thư germline chỉ phù hợp với những người có nguy cơ cao do tiền sử bệnh lý gia đình, cá nhân, hoặc do các đặc điểm lối sống, công việc, nguy cơ phơi nhiễm và tiếp xúc với tác nhân gây ung thư.

Xét nghiệm đột biến gien ung thư có thể gây ra các hiệu ứng tâm lý, stress, âu lo,…

Vì vậy mình chỉ nên xét nghiệm khi thật sự cần thiết.

Các thông tin từ các xét nghiệm này sẽ giúp Bác sĩ đánh giá đầy đủ và chính xác hơn về mức độ nguy cơ ung thư, các hệ cơ quan có khả năng bị ảnh hưởng, độ tuổi dễ phát bệnh,… Từ đó, các BS sẽ có các giải pháp theo dõi lâm sàng , can thiệp sớm phù hợp. 

Anh xin lấy ví dụ như sau. Nếu mình có đột biến gien BRCA1/2 thì mình cần theo dõi vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, tuỵ, máu. 

https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/genetics/brca-fact-sheet

BRCA Gene Mutations: Cancer Risk and Genetic Testing Fact Sheet

Nếu mình có đột biến gien RABL3 thì Bs sẽ cần siêu âm tuỵ hoặc chụp MRI tuỵ định kỳ hàng năm hoặc thường xuyên hơn. Các đột biến trên RABL3 sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ K tuỵ. Khi mình biết để theo dõi và phát hiện sớm các tổn thương K tuỵ thì việc phẫu thuật loại bỏ khối u và điều trị sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Như vậy, nếu xét nghiệm tầm soát đột biến gien ung thư germline được làm đúng cách, đúng chỉ định cho các trường hợp nguy cơ cao thì BS sẽ lựa chọn được phương pháp theo dõi và can thiệp lâm sàng hiệu quả hơn, em ạ. 

Cám ơn góp ý của Anh - một Người Thầy tôi rất quý trọng. 



10 thg 12, 2021

Bóc mẽ những câu thiên hạ hay chém gió!


1. "Quẳng cái cân đi và vui sống" - sự thật là nếu bạn không quan tâm đến cân nặng, để cân nặng rời khỏi ngưỡng trung bình BMI, vui thì vui đấy, nhưng sống không được lâu đâu. Nên giữ cân nặng ổn định, và nên cân định kỳ. Kiểm soát cân nặng của bạn không vượt quá hay tụt dưới mức cho phép. 

Những kẻ xúi bạn không quan tâm tới kg cơ thể, thì chắc chắn họ không có trách nhiệm với tuổi thọ của chính bạn đâu. 

2. "Đừng để bản thân chết ở tuổi 25 rồi đến 75 tuổi mới được đi chôn." - Những kẻ phát ngôn và tin tưởng câu này đảm bảo học ẹ môn sinh học và chắc chắn không phải là bác sĩ. Dù từ 25 tuổi đến 75 tuổi bạn có sống an nhàn, không bon chen, không ước mơ, không hoài bão, không chiếm các thành tựu,... thì khi bạn đang thở, máu bạn đang chảy,... bạn vẫn đang sống với những hoạt động mạnh mẽ bên trong của cơ thể bạn. Hai năm COVID-19 vừa qua, dạy cho chúng ta rằng, giữ được hơi thở - là điều đáng quý nhất. Nghe cái bọn đa cấp xúi giục ba linh tinh để lao đầu vào làm "chiến binh" với những cái KPI sản phẩm tất nhiên mang lợi doanh thu, bất chấp việc bỏ mặc sức khỏe của bạn, sống đến tuổi 75 có khi là ước mơ viển vông. Để kéo dài được cuộc đời đến tuổi 75 hoặc nhiều hơn cho người ta mang đi chôn, thì theo tôi, đó là một điều thành công và cần nhiều nỗ lực. 

3. "Người đẻ đất không đẻ" - câu cửa miệng của các con dân kinh doanh bất động sản, mua đất đi, mua nhà đi các anh chị, người đẻ đất không đẻ :"> Không ai nói với các bạn rằng, người chết đất không chết : ))) Thật thì, nếu bạn quan tâm đến quá trình phong hóa của đất, bạn sẽ biết đất có bị xâm lấn và có được đắp bồi, do đó nói đất không đẻ hay không chết, chưa chắc đúng. Nhưng điều đúng, là quá trình sinh tử của con người diễn ra nhanh, và dễ thấy hơn quá trình của đất rất nhanh. Ở Việt Nam, chúng ta sẽ dần thấy những căn nhà hoang, hoặc rất rất neo người, như ở các nước Tây Âu đã diễn ra nhiều năm qua, khi mà lựa chọn sinh con thêm của các cặp vợ chồng ngày càng ít, thậm chí nhiều người trẻ lựa chọn không sinh con.  Và nhiều ngôi nhà rộng rãi, thậm chí giá trị bđs rất cao, nhưng chỉ có 1-2 người già ở trong đó, vì thế hệ chúng ta và các thế hệ sau, rất ít người muốn vì cái của nả tổ tiên để lại mà phải buộc chân vào một chỗ. 

Người đi, đất không đi. Bám chấp vào đất, thì khó đi. 

P.S, còn nhiều cái một nửa sự thật nữa các bạn ơi, khi nghề chém gió lên ngôi, hihi.

1 thg 11, 2021

viết vụn bên ly cafe không đắng như ngày cũ

1. mộng mơ và lơ mơ 

Có một cái trào lưu, không biết ai là thống soái. Nhưng mình lờ mờ cảm nhận, nhiều người, từng thích imagine với John Lennon, Dumb với Kurt,… trong đám bạn mình, là kẻ đi theo. Làm bộ bày tỏ chán ghét thế giới thực tại, lũ toan tính, và tự nhận mình là những kẻ mộng mơ. 

Mình không biết có thuộc diện những kẻ mộng mơ không, dù cũng thấy thích thích nghe những bản nhạc trên, cũng từng ước ao về cái đẹp, và từng ngẩn ngơ ra trước những cảnh bình yên lãng mạn các kiểu. 

Một thời điểm nào đó chắc có
Nhưng hiện tại thì không chắc chắn 

Dù cuộc đời dạy chúng ta, muốn được làm một kẻ mộng mơ được giữa cuộc đời này, thì phải bớt làm người lơ mơ. 
Nhưng mình thấy lơ mơ nhiều khi nó cũng là một cái thú :D 
Và mình thấy mình có lòng tin rằng ai đó khi họ nói họ đang lơ mơ hơn khi họ nói họ đang mộng mơ. 

2. cà phê không cần uống đắng 

Mình đã có khoảng thời gian dài không biết làm cách nào để tỉnh nổi, dù mỗi ngày vẫn đều đặn uống ít nhất một ly cafe. 
Hôm nay ngồi trước một ly cà phê rang nhẹ rất thơm và ít đắng nghe Vũ bảo là lượng cafein cao hơn loại rang đắng, không biết sẽ khiến mình tỉnh táo hơn bao nhiêu

Mình uống cà phê từ mười lăm năm trước hoặc xa hơn. Uống để tỉnh ngủ, chứ không phải vì mình ghiền. Kỳ thực, mình ghét cay ghét đắng - chính xác là ghét vị cay ghét vị đắng, của bất cứ món gì - ăn, uống hay cuộc sống. 

Những ngày mình còn là sinh viên, giờ giải lao như một thói quen, phải có một ly cà phê uống vội để tỉnh. 

Không biết tại sao mình thèm ngủ đến kinh khủng, và nhu cầu ngủ của mình hồi còn là học sinh, có thể khiến con bạn thân nhất của mình hồi đó phải há hốc mồm vì ngạc nhiên khi nó hỏi: mi làm gì mà không làm bài nổi? - tau ngủ. 

Từ bé, mình đã không thích luyện phim một cách thụ động theo từng tập của những bộ phim dài kỳ chiếu trên truyền hình. Mình thích xem phim, nhưng chỉ xem phim chiếu rạp hoặc phim 1-2 tập, không xem dài tập. Mình cũng từ chối các cuộc tụ tập chỉ để ăn - chơi - tám phét vớ vẩn. 

Thế nên thời gian của mình cắt ra từ những việc đó - dùng làm gì? Chỉ để ngủ. 

Nhưng lên đến thời sinh viên thì khác. Mình nhận ra có nhiều thứ quá vui để chơi, để học, để đọc, để lang thang,... mà tất nhiên mình không thể bỏ học, khi đã lỡ đâm đầu vào một chuyên ngành quá nặng ở một ngôi trường đệ nhất ép xác sinh viên. 

Mình không còn được ngủ thỏa thuê như trước nữa. Từ đó, mỗi ngày mình đã uống cà phê để thức. 

Tập tành uống vội từ cafe căn tin trường, tới những gói cafe hòa tan 
Đến những ly cafe đen đặc quánh, những giọt đậm cần mẫn rơi xuống từ phin cafe 

Có nhiều ngày, gần như mỗi ngày mình chỉ ngủ 3-5 tiếng, nghĩ lại giai đoạn đó, mình thấy thương mình. Giai đoạn mình không có nhiều cảm giác vui. Vùi đầu vào đọc, viết, vẽ, nhận đủ thứ việc từ có phí tới không phí, từ phí cao tới phí thấp,... như một cách giết thời gian, và hủy hoại cái nỗi buồn đang ngự trị trong mình. Vì mình tin rằng, khi mình buồn quá, mình làm việc nhiều đến mức thiếu thời gian để ngủ, thì buồn nào rồi cũng sẽ qua, chỉ có buồn ngủ mới là cái buồn còn lại. Nhưng giờ qua ba mươi, mình thấy rằng, có nhiều khi, người ta buồn quá đến mức không thể nào ngủ được. 

Những người từng hẹn cafe với mình ngày nào, thấy mình hay uống cafe đen, tưởng mình thích điều đó. Khi mình làm việc ở nhà, có khi còn uống cafe đen không đường không đá. Nhiều người cứ nghĩ vậy là gu, là một cái quái quái lạ lạ thường thấy ở những người viết và thích sống cô độc. Thật ra thì những lúc đó có thể do mình đang quá mải làm việc và lười lấy đường đá thôi chứ chẳng phải mình thích gì. Mình chỉ coi cafe như một thứ nước uống cho xong, tỉnh táo, để làm việc. 

Gần đây mình mới biết đến loại cafe pha lạnh, uống mát, đắng nhẹ, không thơm như cafe pha phin, nhưng giúp mình tỉnh táo. 

Ba điều mà mình thích ở hạt cafe sau khi chế biến: mùi thơm, sự tỉnh táo do cafein mang lại, màu cafe. 
Còn vị đắng - quả thực, mình rất ghét. 
Cho đến khi mang bầu và hạn chế cafe, thay những ly cafe đen đậm qua những ly bạc xỉu, mình mới nhận ra mình thích uống ngọt. Và cho đến khi cơ thể mình gầy đi và phải ăn uống bổ sung, mình mới nhận ra, mình thích ngọt hơn đắng. 

Thế nên, khi tập tành pha lạnh cà phê, mới đầu, mình nghĩ cần phải cho đường hoặc sữa vào một khâu nào đó. Nhưng đọc các công thức hướng dẫn cách pha, tuy có thấy nói cà phê pha lạnh có thể dùng với đường hoặc sữa tùy sở thích, nhưng không thấy hướng dẫn cho đường hoặc sữa vào khâu nào, thời điểm nào, trước khi ngâm lạnh cafe hay sau khi đã tách nước cafe,... Mình bèn vào một group dành cho những người thích uống cafe cold brew để hỏi điều này. Một loại comment vào thể hiện, kiểu dạy cho mình biết rằng những người uống cafe cold brew thì không uống với đường, và mình là loại người không biết uống. Thì thôi em về :) Mình lặng lẽ xóa post và leave group đấy. 

Chúng mày uống để thể hiện hay uống để làm gì hở những kẻ tự nhận là tín đồ? :) 

Mình nói với anh của người bạn lâu năm, nhà làm cafe ở Đà Lạt: em muốn uống cafe cho tỉnh, nhưng em không uống được đắng. Anh bảo, em kêu Vũ rang nhẹ thôi. 

Mình mới biết hóa ra độ đắng của cafe do tay người rang. Vũ bảo, rang nhẹ thì có vị hơi chua đấy, chỉ loại cafe ngon mới rang nhẹ được. 

Pha ly cafe có vị hơi chua hơn bình thường một chút. Hỏi Vũ, uống có cảm giác nước trái cây đấy Vũ. Ừ, cà phê là trái cây mà. 

Tìm hiểu thêm những cách pha khác, và thêm về cafe cold brew, mới biết rằng, cafe pha lạnh không chỉ là cafe pha lạnh, mà nó còn là pha loãng. Nó loãng hơn cafe pha phin như trước đây mình từng hay uống, ở cái giai đoạn ngày chỉ ngủ chừng 3-5 tiếng và mỗi năm viết một cuốn sách. 

Cafe pha loãng đi, mát lạnh, hơi có vị chua,... nhân nhẩn đắng chứ không đắng đậm, nó lại gần với tiêu chí uống của mình hơn. Tuy nhiên, cà phê pha lạnh lại không tỏa hương cafe thức tỉnh cả căn phòng như khi mình pha phin nóng nữa. Nên mỗi lần múc những muỗng cafe ra để pha, mình lại đưa lên mũi mà ngửi cái mùi hương mình thích ấy, từ những ngày xưa cũ đến giờ. 

Giờ, mình vẫn uống cà phê mỗi ngày, và cà phê không cần uống đắng. 

Khi con mình lớn lên, hẳn mình sẽ chỉ con thấy, ly cafe đắng hay ngọt hay ở độ nào - là tùy con; cũng như cuộc sống vui hay buồn, mộng mơ hay lơ mơ - cũng là từ con; chứ không phải do người nào, style nào quy định. 




26 thg 10, 2021

Chọn trường cho con - là điều quan trọng

Đêm, xem đi xem lại clip em bé 2 tuổi bị bạn đánh. Mình đau lòng quá. Tình cờ, lúc chiều đem con xuống sân chơi, có một mẹ có con 17 tháng hỏi kỹ chuyện chọn trường cho con. Lúc đó mình có chia sẻ, nhưng hoàn toàn ko biết clip này, nên thiếu sót một số thứ, lại ko có liên lạc của mẹ bé đó để nhắn bổ sung. Nên giờ mình note vào đây, mong sao mẹ đọc đc. 

Xem clip nhóm trẻ tư thục và giải trình của trường trên báo, mình thấy các vấn đề là: 

Lớp có nhiều nhóm tuổi và chênh lệch tuổi khá nhiều. Cụ thể là bé 3 tuổi đánh đá bé chưa đến 2 tuổi (theo báo), còn em bé chạy ra cửa đứng gọi cô thì mình đoán có thể hơn 3 tuổi. Trẻ con chênh lệch nhau vài tháng cũng khác biệt lắm rồi. Nên gửi con thì trường nhất định phải phân nhiều lớp theo độ tuổi, dưới 3 tuổi thì chênh lệch 6 tháng 1 lớp. Như thế các bé sẽ sàn sàn nhau, bé này đánh qua thì bé kia cũng đánh lại đc chứ ko đến nỗi như trong clip. 

Nơi giữ trẻ trong clip bị thiếu nhân sự. Nên xảy ra tình trạng cô trông trẻ phải đi dọn dẹp bên ngoài và ko có ai trong lớp với các cháu.  Nên khi chọn trường, thì trường phải có đủ nhân sự phụ trách các bộ phận, để các cô giữ cháu lo việc giữ cháu, các cô dọn dẹp lo việc dọn dẹp, các cô nấu ăn lo việc nấu ăn, chứ ko phải là ko có cô nào giữ các cháu vì bận đi lo dọn dẹp bên ngoài.  

Nói chung, trong việc chọn trường cho con mình khi con chưa đầy 6 tháng mình đã để ý, thì mình cảm giác mình may mắn và được trời thương, đc bạn bè giúp đỡ, chứ cũng ko phải là mình biết chọn lựa gì. Cảm ơn mọi người, mọi điều, mà con mình đã trải qua những tháng năm đầu đời dễ chịu. 

Bài báo và clip về vụ việc, khiến mình thấy rõ hơn, việc chọn trường cho con học, chọn môi trường cho con sống,... là cực kỳ quan trọng. 

Và từ khi mình chưa sinh con, mình đã tin rằng, giáo dục con trong độ tuổi mầm non là quan trọng nhất cuộc đời. Càng ngày mình càng tin điều đó. 

Nên từng có 1 cô nói với vợ chồng mình rằng: con nít học đâu chẳng được, chúng mày ngày xưa cha mẹ vứt lung tung rồi cũng nên người đấy, có sao đâu. Thì sau đó, khi về nhà, mình đã nói với chồng mình: sau này em không muốn đem con qua chơi nhà cô đó nữa. 

Con cháu cô ấy, cô muốn vứt lung tung đâu mình không quan tâm, nhưng con mình thì không bao giờ.

Nguồn: https://thanhnien.vn/be-gai-2-tuoi-bi-3-ban-trai-cung-lop-danh-hoi-dong-post1394192.html

20 thg 10, 2021

Mọi khoảnh khắc bạn sống - là của bạn

Bạn thân mến!

Bạn có thực sự cần một ngày lễ kỉ niệm cho riêng mình không? Khi mà khoảnh khắc hiện tại, bạn sống tròn đầy, trân trọng và giá trị.

Sống trong chánh niệm - ở đây, hiện tại, bây giờ

Và cảm nhận nó - thời gian của bạn, cảm xúc của bạn

Những thứ mà chúng ta không thể cầm nắm đó, thời gian và cảm xúc mà bạn thực sự đang sống ấy, nó lại chính là cái mà đời sống bạn chắc chắn sở hữu.

Nếu lý trí và tâm hồn bạn không cho phép, không ai có thể chiếm lấy, can thiệp hay tước bỏ.

Những thứ vật chất phù hoa bạn đã có, đang có, hoặc cố gắng sẽ có, thực ra lại dễ dàng mất đi và không còn là sở hữu của mình, dễ dàng hơn bạn tưởng. Dễ mất hơn việc mình gìn giữ cái thực sự trong lòng bàn tay mình - đó là thời gian và cảm xúc ở hiện tại.

Một người sống một cuộc đời - có thể đạt được nhiều thứ, nhưng mất đi, không ai ôm theo được điều gì thuộc về vật chất. Nhà cao cửa rộng đồn điền công xưởng hay một đế chế… rồi cũng là gì, khi thân cát bụi còn trở về cát bụi? Thân thể là thành trì về vật chất cuối cùng của mỗi con người, nhưng khi chúng ta mất đi, thành trì cuối cùng ấy - quan trọng với chúng ta biết mấy, mà chúng ta lại ít biết giữ gìn củng cố và bảo hành bằng các công trình gạch đá ngoại thân, rồi thì thân thể cũng tan rã.

Mọi thứ vật chất đều là của người khác, thể hệ tiếp nối, hay không ai cả. Không biết được của ai, nhưng chắc chắn không phải của chúng ta.

Chỉ có cuộc sống chúng ta đang sống, thời gian và cảm xúc, ở chính hiện tại này mà thôi, là thuộc về chúng ta, trọn vẹn.

Nếu chúng ta mất đi, cuộc đời chúng ta đã sống, đã trải nghiệm đó, cũng đi theo chúng ta, mà không ai có thể sống thay ai. Ngay cả chính chúng ta, cũng không thể sống lại cuộc đời của chính mình, thêm một lần nữa.

Vậy thì chúng ta có cần đến lễ lạt kỉ niệm, hay những hoa quà phù phiếm, những khen tặng ảo ảnh không?

Có chút cho lòng lao xao. Có người thích một bầu trời tỉnh thức, nếu ai cũng sống trong tỉnh thức, trong chánh niệm, vui về tự tâm, thì cuộc đời phàm trần chẳng lẽ chỉ có một màu trời tỉnh thức? Như thế chắc sẽ không nhiều cung bậc buồn vui, chẳng còn gì để bàn, chúng ta xin dừng lại tại đây. Nhưng một bầu trời với nhiều đám mây, nhiều màu sắc, hình dạng lại đang tồn tại để mọi người phỏng đoán, tưởng tượng, bàn về… dường như đúng hơn với cuộc sống thực tại này, xã hội này - một thế giới không bao giờ trong vắt không một gợn mây, một áng bụi.

Những gợn tham sân si phù phiếm vẫn tồn tại.

Những mong cầu vẫn tồn tại.

Những hoa những quà những câu chúc lời khen vẫn cần tồn tại - để bày tỏ hiện hữu được bằng hình ảnh cho những thứ biết quý giá hơn nhưng lại khó thể nào rõ ràng trong mắt người khác, mà có khi chính bản thân mình cũng không biết được rõ ràng - là thời gian và cảm xúc của mình, ở hiện tại.

Nhưng để cho một thời điểm được quy định theo tờ lịch, chỉ một ngày đó - để tôn vinh, vì bạn là phụ nữ; hay một ngày để tôn vinh - vì bạn là doanh nhân, một ngày để tôn vinh - vì bạn là trẻ em,… thì không đủ, không thể nào là đủ.

Bởi những ngày khác, những thời điểm khác, không trong tờ lịch, nhưng trong hiện tại - cái hiện tại mà bạn đang sống, đó chính là thời điểm của bạn.

Chính bạn phải nâng niu hiện tại - mà không cần chờ đợi một ai.

Nâng niu hiện tại - trân trọng bản thân, để không cho phép ai chà đạp lên, tước đoạt hay áp chế thời gian và cảm xúc của bạn.

Nếu bạn bị khổ đau vì đã dành thời gian và cảm xúc cho người không đáng, quay lại, trách ai? Không ai trách người không lấy gì thuộc về vật chất của người khác, pháp luật hiện hành cũng không định tội những kẻ cướp cảm xúc và thời gian trong trái tim của một con người mà chỉ xác lập những tội lỗi thuộc về vật chất, tài sản, thân xác, ngôn từ đã bật ra khỏi suy nghĩ, …

Thế nên, hãy vì chính bạn, chính cuộc đời bạn mà nâng niu thời gian và cảm xúc bạn đang sống - ở đây, hiện tại, bây giờ

Bất cứ lúc nào, không riêng 20/10, không riêng 8/3,… không riêng ngày nào cả, cuộc sống để sống, phải sống thật đáng sống

Những gì không đáng, nhất định phải gạt ra khỏi cuộc sống của bạn

Những gì xứng đáng, ghi nhận và biết ơn trọn vẹn  

Thời gian và cảm xúc trong hiện tại, khoảnh khắc của bạn, là của bạn, dành cho chính bạn - và dành cho những người mà bạn yêu thương như yêu thương chính bản thể của bạn.

P.S., Với mình hiện tại, thời gian và cảm xúc của mình nhất định trọn vẹn với mình và con mình. Những người làm mình khổ đau, mình đã dần dà gạt họ ra khỏi cuộc sống của mình. Đời sống của mình là để sống chứ không phải để chịu đựng. 








 

12 thg 1, 2021

Nước mắt mùa Thu...

Những ngày này tôi mong chờ tin Cô khỏe mạnh lại, hoặc... ra đi nhẹ nhàng. Tôi rất sợ nghe những thông tin như "đang nguy kịch", "đang nằm ICU", đang thở máy hơn 75%,... 

Với những gì được nghe kể lại từ bệnh nhân COVID, tôi hiểu rằng những ngày qua, hay những ngày này, Cô đang rất đau đớn. 

Tôi không biết cơn đau do COVID mà Cô Lệ Thu phải chịu như thế nào, cũng không biết cơn đau do viêm đa xơ cứng mà ca sĩ Ngọc Lan phải chịu, hay cơn đau do ung thư giai đoạn cuối mà Mẹ tôi phải chịu ra sao. 

Mẹ tôi ra đi ở tuổi 63, và trong cuộc đời tôi, đã lần lượt phải nhìn bao nhiêu người mình yêu thương ra đi ở tuổi 70 trở lại, thì thấy rằng độ tuổi 78 của Cô quả là "nhân sinh thất thập cổ lai hy",... 

Nên, ở độ tuổi đó, điều tôi cầu mong nhất cho Cô là nhẹ nhàng. Dù sống hay chết, cũng có đc cảm giác dễ chịu nhẹ nhàng. 

Cố gắng níu kéo, duy trì,...dù người bệnh quá đau đớn và muốn giải thoát, là tình huống mà tôi cầu mong sao Cô và gia đình Cô không rơi vào. 

Những ngày này, tôi thường dành sáng sớm khi con chưa dậy hay buổi tối khi chồng con đi chơi, để 1 mình nằm nghe tiếng hát Lệ Thu và những danh ca cùng thời. 

Tôi đã dành cả thời tuổi xanh để mến yêu giọng hát của họ. 

Tôi nhớ hôm 21.09.2019, ca sĩ Tuấn Ngọc về biểu diễn. Hôm đó là sinh nhật tôi. Và con tôi chỉ mới 4 tháng tuổi. 

Hôm đó, có lẽ món quà lớn nhất mà tôi ước ao là đc ngồi trong khán phòng nghe Chú hát.  

Nhưng tôi liên lạc với phòng trà, hỏi giá vé, họ báo 900k, hỏi chị có thể bế em bé vào cùng ko, em bé của chị ko làm ồn (trộm vía, em Mè lúc mới sinh đến 6m rất ngoan, cứ đc mẹ ôm là chơi với ngủ và cười, ko biết khóc là gì. Xa mẹ mới khóc.) Nhưng ko có 1 hồi đáp cho câu hỏi sau. 

Rồi chồng tôi hỏi, em muốn đc tặng quà gì cho sinh nhật? Tôi nói em muốn ăn kem. Chồng tôi mua kem về ăn. Vậy là qua 1 ngày như mọi  ngày. 

Tôi hỏi 1 anh bạn ca sĩ, anh nghĩ Chú Tuấn Ngọc hát bao lâu nữa?  Anh bảo ít nhất mười năm. 

Ừ mong là vậy đi. 

Năm Covid thật kinh hoàng, bao nhiêu ng ra đi,... Và tôi thấy rõ rằng thành công lớn nhất của chúng ta là SỐNG KHỎE MẠNH. Cũng là mục đích hướng tới của tôi. Khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần. 

Tôi cũng thấy sự sống mong manh quá đỗi. Sống nay chết mai. 

Tôi mong sao cuộc đời mình đừng vuột mất cơ hội đc nghe những danh ca tôi yêu mến hát trong không gian gần gũi như khán phòng...


5 thg 1, 2021

Ngồi im cho thế giới hòa bình

 

 "Rồi sẽ qua hết, đời cuốn trôi mãi

Tha thứ cho mùa thu bé dại mải chơi đến muộn

Loài hoa lỗi hẹn chết trong vườn khuya."

Tôi định mượn ca từ trong bài hát "Mùa hoa bỏ lại" của nhạc sĩ Việt Anh để làm tựa đề cho nội dung viết này. Là "tha thứ cho mùa thu bé dại". 

Cơ mà rồi nghĩ, mình lấy quyền gì mà tha thứ hay không tha thứ, khi mà chính người ta cũng chẳng cần và chẳng cần quan tâm đến điều đó, hay họ có một chút mảy may rằng họ đang phạm lỗi lầm. 

Và rồi, tôi biết đặt cái tựa gì đây, cho đúng với nội dung. 

Bài viết này tôi muốn chia sẻ một vài thứ khiến tôi không vui nhưng cũng chẳng biết làm thế nào trong công việc của tôi. 

Tôi cảm giác được trân trọng thực sự bởi những người biên tập bài vở cho tôi, những nơi mà tôi thường cộng tác. Và tôi cũng thấy được sự công bằng ở những người thuê tôi viết - và trả tiền tử tế cho tôi. 

Tôi là một người viết thuê, tôi là một người thợ. Tôi viết tiếng Việt căn bản và có nền tảng kiến thức về y sinh ở bậc Đại học và dang dở bậc Cao học. 

Không có gì để ngại ngần và cũng chẳng có gì để tự cao. 

Mọi thứ bình thường như nó vốn có. 

Chỉ là không bình thường khi các bạn không biết điều này khi liên hệ tới tôi...

1. Tôi là người viết thuê - không viết giùm 

Có những người bạn cũ, những người hàng xóm cũ, những người chẳng thân thiết quái gì,... nhân danh điều gì để liên hệ với tôi và NHỜ VIẾT thứ gì đó HOÀN TOÀN KHÔNG TRẢ TIỀN với câu VIẾT GIÙM? Bạn thân mến ơi, bạn trả tiền bao nhiêu cho khoản thời gian và công sức mà bạn muốn lấy của tôi khi nhờ tôi viết? 

Nếu bạn nghĩ, viết lách thôi mà có cần phải bỏ ra cái gì đâu mà tính toán với bạn bè cũ, với hàng xóm cũ,... Ừ nếu bạn nghĩ vậy thì bạn tự đi mà làm đi. Tôi quý thời gian - đặc biệt là thời gian diễn ra trong thời thơ ấu của con trai - chỉ một chiều đi mà không có vé nào quay lại được. 

Nếu bạn nghĩ, văn thơ vớ vẩn là cái tôi có sẵn rồi ngoạc ra đôi dòng cho thỏa mãn cái mục đích nào đó của bạn. Thì xin lỗi bạn, tôi không phải công cụ của bạn. Ba cái chuyện bức xúc vấn đề này nọ kia, bạn thích tự đi mà viết, đừng làm phiền người khác, đặc biệt là đừng làm phiền thời gian của một người mẹ đang nuôi con nhỏ. 

Hãy nghĩ cho đến tận cùng, khi bạn NHỜ một người mẹ làm điều gì đó với danh nghĩa LÀM GIÙM và không trả tiền, chính là bạn đang ĂN CẮP THỜI GIAN CỦA ĐỨA TRẺ mà đáng lẽ ra người mẹ phải dành cho nó. 

2. Tôi rảnh và bận tùy người tùy việc

Bữa rồi, một bạn rủ tôi bán một dòng mỹ phẩm của bạn bè bạn ấy. Tôi bảo tôi bận lắm, tôi không dư tiền vốn. Bạn bảo không cần vốn mà chỉ cần rao giùm trên Facebook tôi. 

Ôi bạn tôi ơi, Facebook tôi rao các món hàng tôi chuyên, tôi thích, tôi lấy giá tận gốc mà còn thiếu sự ưu tiên và tương tác, tôi đâu còn rảnh để rao những thứ mà tôi chưa chắc đã thích và giá chưa chắc đã tận gốc. Lấy một mặt hàng của người nào đó mà bán cho khách của mình, không chỉ là bán một món hàng. Mà là đem cả sự tin cậy mà những người tìm đến mình để bán được món hàng đó nữa. Về chất lượng chuẩn mực, về giá cả hợp lý, về sự hiểu sâu sắc và chân thành của người bán. 

Ở một món hàng trên trời rơi xuống nào đó, làm sao tự dưng tôi dám gật đầu cái rụp mà làm công cụ cho người ta? 

Có khi, làm cộng tác viên - làm đại lý, các thể loại lại chẳng khác gì khách hàng bậc 1 bậc 2... chưa phải là bậc cuối thôi, cho người ta ăn lời. Nếu thực vậy thì tôi là khách hàng, khách hàng là thượng đế, thượng đế có quyền mua hay không mua. Nếu thượng đế từ chối, làm ơn hãy lịch sự với người ta. 

Nếu ai đó nói với bạn rằng họ bận lắm, hãy tin rằng họ thực sự BẬN VỚI BẠN, chứ chưa chắc họ đã bận với người khác. Bởi bạn không còn thực sự xứng đáng để họ dành thời gian. 

Cũng như khi người ta từ chối bán một món hàng, một dòng hàng mà bạn đưa ra. Chưa chắc người ta đã từ chối những món khác, dòng khác, của người khác. 

Tôi từng gặp một số người bán bảo hiểm rất bất lịch sự, khi mời tôi mua bảo hiểm không được thì quay ra trù ẻo kiểu mai mốt bệnh chết không có tiền, người thân - chồng con phản bội không chi trả cho khi nằm bệnh,... Rồi giờ lại gặp một người không biết gọi là gì, khi rủ rê tôi bán dòng mỹ phẩm mà tôi từ chối với lý do bận thì lại bảo, nuôi có một đứa con một ngày đâu có phải rửa đít mười lần đâu mà cứ kêu bận. Các bạn ơi các bạn tào lao dễ sợ! 

Con tôi không cần rửa đít 1 ngày 10 lần và bản thân tôi hầu như không rửa đít cho con, con ở trường có cô rửa, con ở  nhà có ba rửa, tôi chỉ bận duy nhất một việc, đó là BẬN CHƠI CÙNG CON. 

Các bạn làm mẹ kiểu rảnh, các bạn rảnh. Tôi làm mẹ kiểu bận, tôi bận.

Cùng một job làm mẹ, nhưng có nhiều style, nên những đứa con ra đời cũng sẽ khác nhau.  

Còn về bảo hiểm, tôi thực sự rất đề cao về bảo hiểm nhân thọ và tôi đã có bảo hiểm cũng như những chuẩn bị cho mình rồi. Tôi từ chối bạn vì bạn không phù hợp với tôi, và khi nghe bạn trù ẻo khách hàng mà bạn không kiếm được, tôi lại thấy rằng việc tôi từ chối đúng đắn quá trời. 

3. Khi ý tưởng bị ăn cắp 

Ngày tôi còn bé, cách đây chừng mười năm, tôi từng rất đau khổ khi ý tưởng kịch bản của tôi bị ăn cắp. Một tuýp nhân vật, một nhóm nhân vật, một dòng truyện,... y chang. Tôi biết làm gì đây, làm gì đây khi không ai cấp quyền sở hữu cho thứ gọi là ý nghĩ trong đầu bạn, có thể được lưu đâu đó trong những tờ nháp, những bức email nhưng chưa được thành hình thành sản phẩm? 

Tôi đau khổ viết thư cho Thầy tôi. Thầy bảo, đừng buồn, Tuệ An. Bởi những người ăn cắp ý tưởng của con thì ngay từ đầu người ta đã thua con rồi. 

Giờ, nhìn những bản sách của bạn ra, cuốn này đến cuốn khác, trùng lặp hay ăn cắp ý tưởng từ tôi, tôi thấy tội nghiệp vì tư tưởng và sự sáng tạo của bạn nghèo nàn quá đỗi đến mức phải đi ăn cắp. Cơ mà, như quay trở lại cái mở đầu, có khi bạn cũng đâu cần ai tội nghiệp. Thôi kệ. Ở cái đất nước nhỏ xíu và mờ nhạt này, một đôi ba cuốn sách không mấy ai đọc và cũng chẳng có ai nhớ tới nội dung như nào... nó rẻ rúng lắm. Tranh cãi hay làm bất cứ điều gì để chứng tỏ mình, chỉ thấy phí thời gian. Thời gian dùng để VUI CHƠI CÙNG CON hay để hạ mình xuống để tư vấn, bán hàng, chăm sóc khách hàng,... nó thực sự có ý nghĩa hơn đối với mình hiện tại so với việc chứng tỏ để người này người kia biết mình chất như thế nào. Chất lượng với chả chất lợ, nước lọc vẫn là thứ hữu ích nhất để tồn tại sự sống!

Và, từ bé đến lớn, tôi vẫn tự tin mình là đứa có khả năng sáng tạo. Ý tưởng bị ăn cắp, thôi bỏ đi, tôi sẽ tạo ra cái mới, có khi lại hay ho hơn. 

Mà có khi, ý tưởng trước và sau... đều là những thứ vớ vẩn. 

Có những bọn nên ngồi im, cho thế giới hòa bình. 

(À, có tôi. Tôi cũng nên ngồi im. Tôi vừa uống vài ly rượu nhẹ độ để dễ ngủ. Rồi sáng mai tôi sẽ dậy sớm BẬN ngắm mặt trời mọc, BẬN tưới tắm và ngắm cây, BẬN chơi cùng con nhỏ. Chúc các bạn ngủ ngon.)

4 thg 1, 2021

Nhìn son nhớ Mẹ tôi xưa...

Mẹ của một chị bạn thân của tôi đang bị bệnh giai đoạn cuối. 

Tôi chia sẻ và có đôi lời khuyên chân tình - từ chính những trải nghiệm của mình, với Mẹ thương yêu của tôi. 

Tôi nói với chị: Chúng ta có cả một cuộc đời để làm việc, nhưng thời gian để chăm sóc con trong giai đoạn ấu thơ và chăm sóc Mẹ trong giai đoạn cuối của bệnh tình là khoảng thời gian sẽ không bao giờ trở lại và vô cùng ngắn ngủi trong đời. Nên, hãy dành thời gian. 

Và điều khiến tôi cảm giác đau lòng, khi khâm liệm Mẹ tôi, đó là Mẹ tôi không có bộ đồ lót đẹp hay bộ đồ trang điểm tốt. 

Những đồ lót đã cũ, sơ sài. Bộ đồ trang điểm do người thân chạy đi mua vội (có lẽ là nơi khu hàng dành cho đồ hậu sự).

Mỗi lần nghĩ lại, là một lần đau lòng. Nên tôi dặn chị bạn tôi lưu ý tặng mẹ chị những thứ trên. 

Và tôi có ước mong sao, những người phụ nữ như Mẹ tôi, được chăm sóc và biết điểm trang hơn. 

Bữa, nhân ngày lễ Nhà Giáo, sau khi quà cáp cho các cô của con tôi. Tôi tặng một thỏi son cho cô giữ xe lớn tuổi ở trường. Vẻ hiền lành, dễ mến của cô khiến tôi quý. Và thi thoảng, tôi vẫn mượn vội hay đổi tiền cô để trả tiền xe ôm khi người xe ôm không có tiền thối lại cho tôi. 

Từ thỏi son mà đâm ra chuyện trò. 

Cô hỏi công việc của tôi, cuộc sống của tôi. Rồi cô nói, ba cô xưa là nhà văn, ông là nhà văn X. 

Nghe tên ông, nhìn cô con gái của ông bằng xương bằng thịt là người giữ xe ngôi trường nhỏ của con tôi, mà ngạc nhiên quá đỗi. 

Ông là nhà văn LỚN cho nhiều thế hệ với những tác phẩm CỰC KỲ NỔI TIẾNG. Mà nếu nhắc tên một cuốn sách của ông, chắc những người quan tâm văn chương sẽ biết tới. 

Nhưng vì chuyện đời tư của người ta, nên tôi không muốn nhắc tên. 

Rồi, cũng lại một thế hệ con cái của một người nổi tiếng khác, nếu nhắc đến tên tuổi và tác phẩm ông, thì bao nhiêu thế hệ người Việt đều ngưỡng mộ, nhưng trong giai đoạn COVID vừa qua, người anh con trai của người nổi tiếng tài hoa này, nhắn với tôi để hỏi mượn tiền và chia sẻ hoàn cảnh đang túng bấn của anh. 

Thấy thật buồn. Cuộc đời không ai biết lên xuống thế nào. Nhưng nhìn những hoàn cảnh xung quanh và đời tư của những người nổi tiếng mà tôi vô tình biết, thì quả thực tôi chẳng có chút mong muốn và dũng khí nào để dám dấn thân vào con đường văn chương và nghệ thuật dù cũng có tí mến yêu. 

Giờ, tôi hài lòng với kệ mỹ phẩm nho nhỏ của mình. Đem những sản phẩm chất lượng đến với người dùng để họ trở nên đẹp và khỏe, đồng thời giúp cho kinh tế của mình ổn thỏa. Tôi thấy điều này có ý nghĩa nhiều hơn những bản sách, những lời khen tặng hay những giải thưởng mà tôi đã từng đạt được. 

Giờ, nhìn son, tôi nhớ Mẹ tôi xưa - một người phụ nữ không hề son phấn và từng ái ngại tự ti về nhan sắc. Tôi là bản sao của mẹ tôi, khuôn mặt không khác gì nhau, mà thêm chút son, chút phấn, chút chì kẻ mắt mày,... mà tôi thấy mình tự tin với hình thức của mình biết bao nhiêu. 

Giá mà những người phụ nữ như Mẹ tôi biết được điều ấy, hay họ có duyên may được những người xung quanh, như chồng con bè bạn giúp cho việc lưu tâm đến trang điểm. 

ít ra thì, nhờ những phấn son tạm bợ này, mà cuộc đời ở trọ trần gian sẽ nhiều màu sắc thắm tươi và vui vẻ hơn chút nào so với những gì nó vốn có

"Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ"


17 thg 5, 2016

Sách của tôi...

Tôi bắt đầu có sáng tác được in trong một bản sách xuất bản vào 2009. Từ đó đến nay, tôi có một số "của làm riêng" nho nhỏ. 

Sách riêng: 

-  "Soirée trắng không dành cho búp bê hư"
 - Tuyển tập truyện ngắn, 2013, NXB Lao Động & Alpha books.

-  "Đường ra biển lớn" 
- Tuyển tập truyện ngắn thiếu nhi, 2015, NXB Kim Đồng.

- "Người chăn chim ở nhà thờ Đức Bà" - Tập truyện ngắn, 2016, NXB Phụ Nữ

- "Cây táo nở hoa" - Tập tản văn, 2016, NXB Trẻ.

- "Mảnh trời có lá cờ bay" - Truyện dài, 2018, NXB Kim Đồng. 


 

Sách in chung : 

-  "Văn Mới 2011 - 2012", Tuyển văn xuôi của nhiều tác giả, NXB Hội Nhà Văn & Đông A.

-  "Vỏ ốc diệu kì", Tuyển tập tác phẩm đoạt giải cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của HNV Đan Mạch & NXB Kim Đồng

"Trả duyên"  Truyện ngắn hay và đoạt giải báo Phụ Nữ 2009 - Nhiều tác giả, 2009, NXB Trẻ.

Sách dịch:

Incidental Takes by Teresa Mei Chuc



Sách tranh minh họa (do Tuệ An viết kịch bản) đã xuất bản:

- Lễ Tết quê hương 
(Bộ sách, 2015, NXB Kim Đồng, gồm 5 cuốn: Mí đi xông đất, Bánh trắng bánh tròn, Con sâu kì lạ, Tạm biệt chép vàng, Ông trẳng ông trăng).

- Uy lực côn trùng (Bộ sách, 2017, NXB Kim Đồng, gồm 5 cuốn: Vũ công bươm bướm, Phù thủy bọ xít, Tay đua chuồn chuồn, Lực sĩ bọ hung, Hoa tiêu ong mật).




Tôi nghĩ như thế nào về di truyền trong ung thư?

Mẹ tôi mất vì ung thư ống dẫn mật. Dì ruột tôi đang bị ung thư vú. Em con cậu ruột tôi bị ung thư máu và phải điều trị trong hơn năm năm. Tô...